1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ không ngăn được Triều Tiên nối lại hoạt động hạt nhân

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết, chuyến công du Triều Tiên của trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ không ngăn được Bình Nhưỡng tái khởi động các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill đã trở lại Hàn Quốc sau chuyến công du 3 ngày tới Triều Tiên nhằm cứu vớt thỏa thuận giải giáp 6 bên đang có nguy cơ đổ vỡ. CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu tái khởi động lại các cơ sở hạt nhân của mình. Hi vọng đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán nhằm giữ chút “thể diện” cho Mỹ dường như đã thất bại.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết tại Washington rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục rời các thiết bị mà họ đã cho vào kho cất giữ trở về địa điểm cũ.

 

“Dựa vào…thông tin chúng tôi mới nhận được, Triều Tiên vẫn tiếp tục có những động thái đi ngược với tiến trình giải giáp”, tại các cơ sở hạt nhân Yongbyon, người phát ngôn Wood cho biết. “Nếu hoạt động này vẫn tiếp tục, rõ ràng là chúng tôi đã không thể ngăn được họ”.

 

Trở lại Seoul, Hàn Quốc vào ngày hôm qua, 3/10, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Hill cho biết các cuộc đàm phán của ông ở Triều Tiên rất mệt mỏi, và vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

 

“Chúng tôi có rất nhiều điều phải giải quyết, và không cần phải nói, cũng có rất nhiều vấn đề trong tiến trình đàm phán 6 bên.”

 

Ông Hill từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán, trước khi thông báo với Ngoại trưởng Mỹ Rice và các nước liên quan, như Trung Quốc, Nhật, Nga và Hàn Quốc.

 

Đại sứ mới của Trung Quốc tại LHQ Zhang Yesui đã bày tỏ hi vọng 6 nước tham gia vào vòng đàm phán hạt nhân của Triều Tiên “sẽ duy trì được sự kiên nhẫn và thể hiện được sự khôn khéo, linh hoạt” khi giải quyết những khó khăn hiện tại.

 

Triều Tiên đã bắt đầu vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của mình ở tổ hợp Yongbyon, để thực hiện thỏa thuận giải giáp lấy viện trợ đạt được tại vòng đàm phán 6 bên trước đó. Nhưng giữa tháng 8 vừa qua, nước này đột ngột ngừng hoạt động giải giáp, với lý do Washington từ chối không đưa nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

 

Quá trình giải giáp cũng gặp trở ngại trước yêu cầu của Washington rằng Bình Nhưỡng phải chấp nhận với cách kiểm chứng tiến trình giải giáp hạt nhân mà họ đưa ra. Tiến trình kiểm chứng này được chi tiết hóa trong bản phác thảo dài 4 trang, trong đó Washington kêu gọi một cuộc kiểm tra toàn bộ, kiểm tra mẫu đất, kết hợp với phỏng vấn các nhà khoa học và có thể có sự tham gia của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

 

Bình Nhưỡng đã bác bỏ điều này, và cho rằng việc kiểm chứng không nằm trong thỏa thuận đổi giải giáp lấy viện trợ đã đạt được, và chỉ là động thái đơn phương của Mỹ.

 

Ngoài ra, một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack khẳng định trong chuyến công du tới Bình Nhưỡng ông Hill sẽ không đưa ra một đề xuất có tính thay đổi lớn nào đối với tiến trình kiểm chứng. Tuy nhiên, ông Hill có thể đưa ra đề xuất là trước tiên, CHDCND Triều Tiên sẽ trao cho Trung Quốc kế hoạch bao gồm việc lấy mẫu, tiếp cận các khu vực chủ chốt và những dự liệu kiểm chứng khác mà Mỹ đang yêu cầu. Sau khi Trung Quốc thông báo nhận được kế hoạch kiểm chứng này, Tổng thống Mỹ sẽ tạm thời rút Bình Nhưỡng khỏi danh sách những quốc gia tài trợ khủng bố.

 

Phan Anh

Theo AP