Ninh Bình báo cáo Bộ Tài chính việc quản lý tiền công đức
(Dân trí) - Kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa tại Ninh Bình cho thấy, hầu hết các cơ sở chưa có đầy đủ biên bản kiểm kê việc mở hòm và kiểm đếm tiền công đức.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính kết quả kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Theo báo cáo, tỉnh Ninh Bình hiện có 1.821 di tích. Trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 99 di tích xếp hạng quốc gia, 335 di tích xếp hạng cấp tỉnh; còn lại là di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.
Trong tổng số các di tích nêu trên, có gần 1.800 di tích có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại di tích.
Tiến hành kiểm tra tại 1.821 di tích, có 1.138 di tích có phát sinh số thu, chi tiền công đức; 757 di tích không phát sinh số thu, chi tiền công đức.
Trong năm 2023, tổng số thu chi, tiền công đức, tài trợ tại 1.138 di tích là hơn 110 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng bạc, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Tổng số chi của các di tích trên là hơn 105 tỷ đồng.
Việc giám sát tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý tiền công đức, tài trợ đối với các di tích có phát sinh tiền công đức cho thấy, hầu hết các di tích đã bố trí hòm công đức và bàn ghi tiền công đức, hòm công đức được đặt ở vị trí phù hợp.
Việc tiếp nhận tiền công đức được thực hiện qua các hình thức như ghi phiếu, ghi sổ, hòm công đức. Các cơ sở đã tiến hành ghi chép, tổ chức kiểm kê, giám sát trong quá trình kiểm kê, mở sổ sách để ghi chép số tiền công đức thu được.
Đối với các di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, di tích giao cho ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, các di tích được xếp hạng công tác theo dõi, quản lý, giám sát và điều hành đã được quan tâm và sát sao hơn, định kỳ đã tổ chức kiểm đếm, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức, quá trình kiểm đếm có sự chứng kiến của các bên có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có đầy đủ biên bản kiểm kê việc mở hòm và kiểm đếm tiền.
Một số di tích chưa được xếp hạng nằm trong danh mục di tích được kiểm kê tại địa phương chưa thành lập Ban Quản lý di tích nhưng đã thành lập Ban khánh tiết; đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do người đại diện các cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo quản lý việc thu, chi tiền công đức, tài trợ nên việc theo dõi, quản lý, giám sát và công tác chỉ đạo điều hành hạn chế.
Việc mở sổ theo dõi các khoản thu chi tiền công đức còn nhỏ lẻ, không được thường xuyên và liên tục. Hầu hết các di tích chưa thực hiện mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để tiếp nhận, theo dõi riêng những khoản tiền thu, chi từ nguồn thu công đức.
UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, việc sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Tuy nhiên, tại một số di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và di tích thuộc nhà thờ của các dòng họ thì số liệu báo cáo tiền công đức chưa đầy đủ, chưa có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, người dân.
Còn nhiều di tích chưa có báo cáo đầy đủ số thu, chi hằng năm; một số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là tiền trong hòm công đức, các khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ chưa được báo cáo cụ thể; một số di tích không có báo cáo thu, chi tiền công đức khi đoàn kiểm tra yêu cầu báo cáo.
UBND tỉnh Ninh Bình đã giao UBND cấp huyện, thành phố định kỳ tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở di tích lịch sử, văn hóa, nhất là những di tích chưa thực hiện việc báo cáo theo quy định.
UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề quản lý tiền công đức, tiền tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo; xem xét có chế tài xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy định trong quản lý tiền công đức.