1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ không mở căn cứ quân sự thường trực mới tại châu Á

(Dân trí) - Thay vì thành lập các căn cứ thường trực mới, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương thông qua các liên minh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố tối 31/5 trước khi lên đường dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 ở Singapore.

Mỹ không mở căn cứ quân sự thường trực mới tại châu Á
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. 

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay, để thực hiện chiến lược trở lại khu vực châu Á –Thái Bình Dương đã được Tổng thống Barack Obama tuyên bố đầu năm nay, Mỹ sẽ đưa thêm binh sĩ và các vũ khí công nghệ cao đến khu vực này trong một thập kỷ tới.

“Kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á và bên ngoài khu vực này sẽ được tiến hành dưới sự điều phối với các đồng minh và đối tác mà không có việc xây dựng thêm các tiền đồn thường trực mới”, Bộ trưởng Panetta khẳng định.

“Chính quyền Mỹ đang triển khai một chiến lược rất mới tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, thay vì thành lập các căn cứ lớn, Mỹ sẽ triển khai các lực lượng tàu chiến hải quân, máy bay và binh sĩ tới tham gia các nhiệm vụ tạm thời như tập trận, huấn luyện và tác chiến chung”, người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ cho biết thêm, không quên nhấn mạnh chiến lược mới này chỉ có thể được thực hiện khi các nước đối tác đồng ý cho các lực lượng Mỹ tiếp cận bến cảng, sân bay và nhiều cơ sở khác.

Bộ trưởng Panetta cũng nêu rõ, do Washington đang đối mặt với sức ép về ngân sách nên cách tiếp cận nói trên sẽ ít tốn kém hơn so với việc thành lập các căn cứ thường trực. Bên cạnh đó, cách làm này cũng ít tạo ra sự phản đối về chính trị ở các nước đối tác.

Ông Panetta viện dẫn việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tới miền Bắc Australia theo một thỏa thuận mới như một ví dụ cho cách tiếp cận này.

Đây là lần thứ hai trong 3 ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập tới chính sách tăng cường hợp tác quân sự quốc phòng mới của Washington với khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Trước đó, ngày 29/3, phát biểu với các quân nhân vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ, ông Panetta đã khẳng định xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ hùng mạnh tại khu vực này sẽ là trọng tâm chính mà các sĩ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng đến.

“Một trong những kế hoạch trọng điểm mà thế hệ các bạn phải thực hiện là duy trì và tăng cường sức mạnh của Mỹ trong khu vực hàng hải rộng lớn ở châu Á – Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh với các học viên.

Theo người lãnh đạo Lầu Năm Góc, nhiệm vụ của các sĩ quan Mỹ tương lai là tập trung củng cố và tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc; đổi mới và phát triển quan hệ vững mạnh với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines; đồng thời xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước khác trong khu vực.

Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp có những động thái được giới phân tích quốc tế nhận định là nhằm tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như việc điều 200 binh sĩ đầu tiên thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 tới căn cứ quân sự thành phố Darwin của Ôxtrâylia; cử các tàu chiến tới Singapore, Philippines, Thái Lan để thúc đẩy quan hệ quân sự song phương.

Mới đây nhất, 4.500 binh sĩ Mỹ đã được triển khai luân phiên tới Philippines để tiến hành cuộc tập trận chung thường niên từ ngày 16 đến ngày 27/4.

Đức Vũ
Theo Reuters, AFP, Xinhua