1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ khó có vắc xin Covid-19 trước tháng 11

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Mỹ cho biết các “ứng viên” vắc xin ngừa Covid-19 của nước này khó có thể được cấp phép trước tháng 11 hoặc tháng 12 tới.

Mỹ khó có vắc xin Covid-19 trước tháng 11 - 1

Nhân viên phòng thí nghiệm cầm một liều “ứng viên” vắc xin Covid-19 để thử nghiệm trên khỉ tại trung tâm nghiên cứu ở Thái Lan. (Ảnh: AFP)

Trong cuộc trao đổi với các phóng viên ngày 13/8, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins cho biết thử nghiệm lâm sàng vắc xin cần thực hiện trên ít nhất 10.000 người mới có đủ bằng chứng để xác định độ an toàn và hiệu quả trước khi đưa vắc xin vào sử dụng rộng rãi.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin ở giai đoạn cuối tại Mỹ hiện vẫn hướng đến mục tiêu tuyển được 30.000 người tham gia.

“Dựa trên những gì chúng tôi biết về mặt khoa học, có thể phải đợi đến sau ngày 1/10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới có thể đưa ra quyết định. Tôi dự đoán nhiều khả năng vào tháng 11 hoặc tháng 12”, Reuters dẫn lời ông Collins nói.

Theo ông Collins, ông tin rằng ít nhất 1 trong 6 loại vắc xin đang được Chiến dịch Thần tốc, chương trình phát triển vắc xin Covid-19 của chính phủ Mỹ, tài trợ sẽ chứng minh được mức độ an toàn và hiệu quả trước cuối năm nay.

Tổng thống Donald Trump tuần trước nói rằng Mỹ có thể có vắc xin Covid-19 trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11. Dự báo này lạc quan hơn nhiều so với nhận định của các chuyên gia y tế Nhà Trắng.

Ông Collins cho biết hàng chục triệu liều vắc xin đầu tiên được sản xuất tại Mỹ sẽ được phân phối cho những người cần vắc xin nhất, bao gồm các bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc các nhân viên y tế đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 170.000 ca tử vong và hơn 5,4 triệu người mắc Covid-19.

Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ về tài chính để phát triển các vắc xin và phương pháp điều trị tiềm năng thông qua Chiến dịch Thần tốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Các nhà chức trách y tế công cộng Mỹ đã giao nhiệm vụ cho một nhóm gồm các nhà khoa học và chuyên gia độc lập tìm cách phát triển các chỉ dẫn để xác định ai sẽ được nhận những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên tại Mỹ, nếu vắc xin chính thức được cấp phép.

Tiêm chủng miễn phí vắc xin Covid-19

Theo AFP, giới chức Mỹ cho biết nếu vắc xin Covid-19 được chứng minh là an toàn và hiệu quả, người dân Mỹ sẽ được tiêm chủng miễn phí. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng khẳng định rằng sẽ không “đốt cháy giai đoạn” để cấp phép cho vắc xin mà bỏ qua quy định an toàn.

“Chúng tôi sẽ không cắt bớt quy trình nghiêm ngặt mà chúng tôi sử dụng để đánh giá vắc xin và hy vọng vắc xin sẽ được phê duyệt”, Paul Mango, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Mỹ, cho biết.

Mỹ đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 chương trình phát triển vắc xin, đồng thời ký các hợp đồng đảm bảo việc cung cấp hàng trăm triệu liều nếu vắc xin được cấp phép sau giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Số vắc xin này hoàn toàn được chính phủ chi trả.

Các bác sĩ và các phòng khám tư nhân vẫn phải mua vắc xin, nhưng chi phí chủ yếu được các công ty bảo hiểm công và tư nhân chi trả.

“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin vào tháng 1/2021”, ông Mango cho biết thêm.

Những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Mỹ có thể sẽ bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn để công bố vắc xin Covid-19 trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, ông Mango bác bỏ lo ngại này.

Nga trong tuần này đã phê duyệt vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới, ngay cả khi chưa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên hàng nghìn tình nguyện viên để chứng minh độ an toàn và tính hiệu quả của vắc xin này.

“Tôi hy vọng Nga đã thực sự chắc chắn rằng vắc xin của họ an toàn và hiệu quả, nhưng tôi vẫn rất hoài nghi về việc họ đã làm được điều đó", tiến sĩ Anthony Fauci, quan chức tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, phát biểu tại hội thảo do National Geographic tổ chức.