Mỹ từ chối đề nghị của Nga về hỗ trợ phát triển vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Giới chức Nga đã đề nghị hợp tác “chưa từng có tiền lệ” với Mỹ về việc phát triển vắc xin Covid-19 nhưng Washington đã từ chối.
Các quan chức Nga tại Moscow nói với CNN rằng họ đã đề nghị “hợp tác chưa từng có tiền lệ” với Chiến dịch Thần tốc (OWS) của Mỹ để đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc xin ngừa Covid-19 và các phương pháp trị bệnh.
Tuy nhiên, các quan chức Nga cho biết phía Mỹ “hiện không mặn mà” với các tiến bộ y tế của Moscow.
"Có cảm giác chung rằng phía Mỹ không tin tưởng Nga và chúng tôi tin rằng các công nghệ, bao gồm vắc xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị, không được áp dụng ở Mỹ vì sự nghi ngờ đó", một quan chức cấp cao Nga cho biết.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany ngày 13/8 cho biết Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về loại vắc xin ngừa Covid-19 mới được Nga đăng ký. Bà McEnany cho biết các vắc xin của Mỹ trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba "nghiêm ngặt" và đạt tiêu chuẩn cao.
Các quan chức Mỹ khác nói với CNN rằng vắc xin của Nga bị coi là chưa đủ thuyết phục tại Mỹ, đến mức thậm chí không thu hút được sự chú ý một cách nghiêm túc tại Mỹ trước khi vắc xin của Nga được công bố.
"Không bao giờ có chuyện Mỹ thử vắc xin của Nga trên khỉ, chứ đừng nói đến con người", một quan chức y tế công cộng của chính phủ Mỹ cho biết.
Hoài nghi của Mỹ
Nga ngày 11/8 thông báo phát triển thành công vắc xin ngừa Covid-19 và là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin này. Tổng thống Vladimir Putin cho biết con gái ông đã được tiêm loại vắc xin này.
Tuy nhiên, do vắc xin của Nga chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm, nên nhiều chuyên gia, đặc biệt tại Mỹ, vẫn hoài nghi về sự an toàn và hiệu quả của vắc xin này.
Vắc xin Covid-19 của Nga do Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow phát triển và được phê chuẩn trước khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó hàng nghìn người sẽ được tiêm vắc xin. Nga cho đến nay vẫn chưa công bố chính thức bất kỳ dữ liệu khoa học nào về việc thử nghiệm vắc xin Covid-19.
Các quan chức Nga cho biết Moscow rất cởi mở trong việc chia sẻ thông tin cho Mỹ về vắc xin Covid-19 và điều này sẽ cho phép các công ty dược phẩm của Mỹ sản xuất vắc xin Nga ngay trên lãnh thổ Mỹ.
Trước đó Nga từng tiết lộ rằng một số công ty dược phẩm Mỹ quan tâm tới vắc xin của Nga, nhưng tên các công ty này không được công bố.
Sau khi không nhận được phản hồi tích cực từ Mỹ, các quan chức Nga vẫn cho rằng Washington “nên cân nhắc nghiêm túc” việc sử dụng vắc xin Nga. Các quan chức Nga khẳng định vắc xin Covid-19 có tên gọi Sputnik V vừa được nước này cấp phép có thể cứu nhiều người Mỹ.
"Nếu vắc xin của chúng tôi được chứng minh là một trong những loại hiệu quả nhất, câu hỏi được đặt ra là tại sao phía Mỹ không nghiên cứu phương án này sâu hơn. Tại sao chính trị lại can thiệp vào vắc xin", quan chức Nga đặt câu hỏi.
Hiện cả Chiến dịch Thần tốc và cơ quan chuyên trách dịch vụ phòng bệnh Mỹ đều chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên.
Nga cho biết ít nhất 20 quốc gia ở Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đã ngỏ ý quan tâm tới vắc xin Covid-19 của Moscow. Đáng chú ý, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông tin tưởng vào vắc xin của Nga tới mức ông sẽ tiêm loại vắc xin này ngay sau khi vắc xin được chuyển tới Philippines. Ngoại trưởng Mexico cũng tuyên bố nước này đang đàm phán với Nga về vắc xin Covid-19.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ gọi vắc xin Covid-19 của Nga là “trò đùa”, đồng thời cho biết Nga vẫn chưa hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm nên không nước nào, thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới và Mỹ, đánh giá vắc xin này một cách nghiêm túc. Quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc “đang tiến gần hơn tới việc giành chiến thắng trong cuộc đua vắc xin”.
Theo một số quan chức và cố vấn chính phủ Mỹ, họ tin rằng Trung Quốc nghiêm túc hơn và có trách nhiệm hơn với các cuộc thử nghiệm vắc xin Covid-19. Giới chức Mỹ nhận định lý do khiến Nga đăng ký sớm vắc xin Covid-19 chủ yếu để tạo dựng ảnh hưởng, trong bối cảnh Tổng thống Putin, cũng như Tổng thống Trump, đang phải chịu sức ép rất lớn về việc phải nỗ lực để đánh bại dịch bệnh