1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ hợp tác quân sự với Australia, Philippines - Trung Quốc nghi vấn

(Dân trí) - Mỹ vừa loan báo sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Australia và nâng cấp hiệp định quốc phòng với Philippines. Trung Quốc lập tức yêu cầu mở cuộc thảo luận về việc gia tăng triển khai binh sĩ Mỹ tại vùng Đông Á và nêu nghi vấn về động thái này.

 
Mỹ hợp tác quân sự với Australia, Philippines - Trung Quốc nghi vấn - 1
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Australia vừa loan báo một thỏa thuận triển khai lực lược thủy quân lục chiến Mỹ.

Kế hoạch triển khai thủy quân lục chiến qui mô nhất ở Australia

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Australia vừa loan báo một thỏa thuận duy trì các lực lượng của Mỹ trên lãnh thổ Australia - quyết định triển khai lực lược thủy quân lục chiến Mỹ mà theo giới phân tích là qui mô nhất ở Australia kể từ Thế chiến II.

Tổng thống Mỹ đã bay tới Canberra sau khi họp Hội nghị Apec ở Honolulu. Chuyến thăm được thực hiện vào lúc hai nước kỷ niệm liên minh an ninh tròn 60 năm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard đã nói với các phóng viên báo chí về thỏa thuận này tiếp theo sau các cuộc hội đàm ngày hôm qua 16/11 tại thủ đô Canberra của Australia.
 
“Theo thỏa thuận này, một lực lượng từ 200 đến 250 binh sĩ Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ đồn trú tại miền bắc Australia và sẽ luân chuyển sau mỗi 6 tháng và lực lượng sẽ được gia tăng dần cho đến khi đạt đến quân số 2.500 quân nhân”, Thủ tướng Gillard nói.

Bà Gillard nói thêm rằng thỏa thuận này cũng cho phép máy bay của Mỹ sử dụng một số căn cứ của Australia.

Về phía mình, Tổng thống Obama nói rằng thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ ứng phó hữu hiệu hơn đối với những thảm họa và các nhu cầu nhân đạo cũng như những thách thức về an ninh.

“Thỏa thuận này sẽ giúp duy trì cơ cấu an ninh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các lực lượng của Mỹ huấn luyện và thao dượt với binh sĩ của các nước trong khu vực, và trang bị cho các quốc gia nhỏ hơn để họ có thể đối phó nhanh chóng hơn với các cuộc khủng hoảng”, Tổng thống Mỹ khẳng định.

Trong khi đó, nhiều phân tích cho rằng việc triển khai này đang được xem là động thái để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

“Tổng thống Mỹ đến Australia trong một thông điệp rõ ràng rằng Washington muốn bảo vệ các lợi ích của mình và đồng minh ở khu vực. Mỹ hiện đang trong giai đoạn chuyển hướng các chính sách an ninh khỏi Iraq và Afghanistan đến khu vực châu Á” - hãng tin BBC bình luận.

Tuy nhiên, ông Obama cho biết Mỹ "tăng cường cam kết của mình cho toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương", không loại trừ Trung Quốc.

"Thông điệp chính mà tôi đã nói, không chỉ công khai mà là lúc nói riêng với phía Trung Quốc, là trách nhiệm nhiều hơn đi kèm với sự lớn mạnh của họ", ông nói. "Điều quan trọng là họ tôn trọng luật đi lại trên biển".

Mỹ cập nhật hóa một hiệp ước quốc phòng với Philippines

Trong chuyến thăm đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày hai nước ký một hiệp ước quốc phòng chung, hôm qua Ngoại trưởng Clinton bày tỏ sự ủng hộ dành cho việc cập nhật hóa một hiệp ước quốc phòng giữa hai quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Đông nên được giải quyết bằng cách vận dụng hiệp ước quốc tế về Luật Biển, một lập trường hậu thuẫn cho Philippines trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc.

Bà Clinton nói Mỹ có chủ trương vững chắc rằng các vụ tranh chấp mà ngoại trưởng Philippines đề cập đến là hiện hữu chủ yếu trong Biển Tây Philippines giữa Trung Quốc và Philippines phải được giải quyết một cách êm thấm.

“Mỹ không đứng về phe nào trong bất cứ cuộc tranh giành chủ quyền bởi vì bất kỳ quốc gia nào đòi chủ quyền đều có quyền khẳng định điều đó, nhưng không có quyền theo đuổi việc đòi chủ quyền qua việc hăm dọa hay đàn áp”, quan chức Mỹ nói.

Mặc dù bà Clinton tái khẳng định sự trung lập của Mỹ trong vụ tranh chấp, bà nói hiệp ước quốc phòng giữa hai nước cần phải được cập nhật.

“Việc ấy đòi hỏi phải bàn luận với Philippines để cung cấp sự hỗ trợ nhiều hơn cho việc phòng vệ bên ngoài, nhất là nhận thức về khu vực biển – các nhận thức về phòng vệ – các ranh giới biển”, bà nói.

Lời tuyên bố trên được đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ Mỹ - Philippines, từ chiếc khu trục hạm USS Fitzgerald đang đậu tại vịnh Manila. Thông cáo chung của hai nước kêu gọi “tự do hàng hải, không ngăn trở việc giao thương và lưu thông hợp pháp trên biển”, cũng như giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên cơ sở các nguyên tắc quốc tế.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ cùng với bản thông cáo chung trên đây đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ cho vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Mỹ đã bắt đầu các cuộc tham khảo ý kiến ráo riết giữa hai chính phủ để xác định chính xác các chi tiết cụ thể của đường lối là gì.

Văn phòng Ngoại trưởng Mỹ đã lên lịch cho một cuộc họp chính thức bàn về các quyền lợi quân sự giữa các vị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Philippines và các đối tác phía Mỹ vào tháng 1/2012.

Về phía Manila, hôm qua Philippines cho biết “sẽ không lùi bước trong chiến dịch tổ chức một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trong việc tranh chấp lãnh hải”, và nhấn mạnh rằng Philippines có được sự ủng hộ của Mỹ về vấn đề này.

Ông Ramon Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, tuyên bố Manila sẽ tiếp tục làm những gì đang làm và nói thêm sự ủng hộ của Washington khiến Philippines cảm thấy động thái của mình là hữu ích.

Trung Quốc đặt dấu hỏi

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã đặt câu hỏi liệu động thái của Mỹ có phù hợp với sự phát triển hòa bình trong khu vực hay không.

“Tăng cường và mở rộng liên minh quân sự có thể không thích hợp lắm và không vì lợi ích của các nước trong khu vực này”, ông Lưu tuyên bố với báo giới tại Bắc Kinh, sau khi Mỹ-Australia thông báo tăng cường hợp tác quân sự .

Người phát ngôn thắc mắc Mỹ sẽ biện minh cho sự chi tiêu trong việc bành trướng quân sự tại vùng Đông Á như thế nào, giữa lúc tình hình tài chính toàn cầu đang bị trì trệ. Ông cũng thắc mắc về những lợi ích của việc hợp tác như vậy và nói rằng “bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài” cũng sẽ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, và phát triển mà cả Washington lẫn Bắc Kinh đều nói là muốn có.

Tại Bắc Kinh, hành động của Washington chắc sẽ được coi như một toan tính răn đe. Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có phản đối việc triển khai quân của Mỹ tại Australia hay không thì phát ngôn viên Lưu Vị Dân từ chối trả lời trực tiếp.

Thay vào đó ông nói Trung Quốc chưa bao giờ tham gia bất cứ loại liên minh quân sự nước ngoài nào giống như những liên minh do Mỹ thiết lập. Và ông cho biết Trung Quốc có ý kiến riêng của mình về vấn đề làm sao để duy trì ổn định trong vùng.

Tổng thống Obama và các giới chức Mỹ khác đã nhiều lần nhắc lại rằng Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc hùng mạnh và phồn thịnh, và chính phủ của ông không có ý định ngăn chặn Bắc Kinh.

Ông Lưu Vị Dân nói Trung Quốc hy vọng Washington sẽ giữ lời.

Trong khi đó, tờ Global Times của Trung Quốc đăng bài bình luận rằng “nếu Australia sử dụng căn cứ quân sự của mình để giúp Mỹ gây hại cho quyền lợi của Trung Quốc, thì chính Australia sẽ bị kẹt giữa các làn đạn”.

Tờ báo dẫn lời Thiếu tướng La Viện từ Viện Khoa học quân sự thuộc Quân Giải phóng Trung Quốc nói: “Cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn gây chiến, nhưng nếu như các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc như chủ quyền, an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc bị xâm hại thì xung đột vũ trang là điều không thể tránh khỏi”.

Nguyễn Viết
Theo Xinhua, AFP, BBC