1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đứng sau vụ rò rỉ "Tài liệu Panama"

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 8-4 lên tiếng xác nhận, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ cho các nhà báo tham gia thực hiện cuộc điều tra vụ bê bối “Tài liệu Panama”.

Trong khi đó, những thông tin từ tài liệu này vẫn đang liên tục được cập nhật với mỗi ngày lại có thêm những bất ngờ được đưa ra.

“Họ (các nhà báo) đã nhận kinh phí từ các nguồn khác nhau, trong đó có chính phủ Mỹ… Đó là các tổ chức được USAID tài trợ nhưng không nhằm theo dõi quốc gia hay nhân vật cụ thể, mà thực hiện điều tra báo chí độc lập”, ông Toner nói trong buổi họp báo.

Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, tên tổ chức này là Trung tâm Nghiên cứu Tham nhũng và tội phạm có tổ chức (Organized Crime And Corruption Reporting Project-OCCRP). Tuy nhiên, ông Toner khẳng định, Mỹ không hề biết trước về cuộc điều tra và kết quả, vì không can thiệp vào công việc của các nhà báo.


Tổng thống Argentina M .Macri trở thành vị lãnh đạo mới nhất bị cuốn vào vòng xoáy “Tài liệu Panama”. Ảnh: AP

Tổng thống Argentina M .Macri trở thành vị lãnh đạo mới nhất bị cuốn vào vòng xoáy “Tài liệu Panama”. Ảnh: AP

Là một trong những người “được” truyền thông phương Tây tiện thể “réo tên” nhân vụ “Tài liệu Panama” dù không liên quan trực tiếp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ việc có “bất kỳ yếu tố tham nhũng nào” trong vụ tiết lộ thông tin “Tài liệu Panama”.

Ngày 7-4, 4 ngày sau vụ rò rỉ gây chấn động thế giới, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu lên tiếng về vụ việc này. Theo ông Putin, những tiết lộ liên quan tới vụ rò rỉ "Tài liệu Panama" thực chất là một phần trong âm mưu nhằm gây bất ổn cho nước Nga bằng những cáo buộc tham nhũng vô căn cứ.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, mục tiêu mà “Tài liệu Panama” hướng tới là nhằm phá hoại nước Nga từ bên trong. “Những kẻ thù của chúng ta không chỉ quan ngại đến sự độc lập và tự chủ về kinh tế của nước Nga mà chúng còn quan tâm tới cả sự toàn vẹn và thống nhất của nước Nga và người dân Nga. Những âm mưu này chỉ là để gây bất ổn cho tình hình nước Nga từ bên trong, buộc nước Nga phải thỏa hiệp nhiều hơn và cũng là để định hình nước Nga theo cách mà chúng mong muốn”, ông Putin nói.

Trước đó, WikiLeaks-tổ chức chuyên hé lộ những thông tin động trời mà chính phủ các nước ra sức che giấu cáo buộc Chính phủ Mỹ “đứng sau” việc công bố “Tài liệu Panama” nhằm công kích Nga và Tổng thống Putin. Theo RT, WikiLeaks ngày 6-4 chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình rằng, vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” là sản phẩm của OCCRP “nhằm vào Nga và Liên Xô (trước đây)”.

Cũng theo WikiLeaks, “Tài liệu Panama” “nhằm tấn công ông Putin” được USAID và quỹ đầu tư mạo hiểm của tỷ phú Mỹ George Soros cấp ngân sách. “OCCRP đã làm một công việc tốt, nhưng việc Chính phủ Mỹ trực tiếp tài trợ cho kế hoạch tấn công ông Putin với “Tài liệu Panama” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trung thực của nó”-thông điệp trên Twitter của WikiLeaks viết.

“Tài liệu Panama” sau đó đã trở thành nguồn thông tin béo bở để truyền thông thế giới khai thác. Một số chính trị gia như Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng bị cuốn vào vòng xoáy “Tài liệu Panama” sau khi bị điểm mặt chỉ tên trong vụ bê bối trốn thuế này. Còn Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson trước áp lực quá lớn, sau khi thừa nhận có dính líu đã từ chức.

Ngày 7-4, các công tố viên Argentina chính thức điều tra về giao dịch tài chính nước ngoài của Tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri. AFP cho biết, “Tài liệu Panama” liệt kê ông Macri trong danh sách và tiết lộ rằng ông nằm trong ban giám đốc của hai công ty nước ngoài, một đăng ký tại Bahamas và một đăng ký tại Panama.

Thẩm phán liên bang Argentina Federico Delgado đã yêu cầu tiến hành điều tra vai trò của Tổng thống Macri trong hai công ty Fleg Trading và Kagemusha bị tình nghi là các công ty ma tham gia trốn thuế và rửa tiền. Ông Delgado cho rằng, cần phải tìm hiểu động cơ đằng sau việc ông Macri không khai báo tài sản của hai công ty này trong báo cáo thuế hằng năm.

Về phía mình, Tổng thống Argentina khẳng định đã không làm điều gì sai trái và cho biết các công ty trên do cha ông là một doanh nhân giàu có thành lập và hoạt động hợp pháp. Văn phòng Tổng thống Argentina cũng cho biết, ông Macri chỉ là chủ tịch trên danh nghĩa bởi ông không đóng góp cổ phần cũng như không nhận lương.

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn với ITV News, Thủ tướng Anh David Cameron cuối cùng đã thừa nhận được hưởng lợi từ một quỹ đầu tư mà cha ông lập ra. Ông Cameron xác nhận có mối liên hệ trực tiếp với Quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust (BIT) mà cha ông đã lập ở nước ngoài để tránh đóng thuế cho nước Anh như đã bị tiết lộ trong vụ rò rỉ "Tài liệu Panama". Ông Cameron thừa nhận từng góp gần 12.500 bảng vào BIT.

Trước khi trở thành Thủ tướng Anh hồi năm 2010, ông đã bán cổ phần của mình ở quỹ này với giá 31.500 bảng. “Tôi đã bán tất cả cổ phần của mình hồi năm 2010 bởi tôi có ý định trở thành Thủ tướng Anh và tôi không muốn ai đó nói rằng tôi có những công việc khác, những khoản đầu tư khác”, ông Cameron chia sẻ. Thủ tướng Anh khẳng định đã trả thuế thu nhập cho phần cổ tức mà ông mua hồi năm 1997 trên.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng cho hay, ông không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ người cha quá cố có phải được hưởng lợi từ "thiên đường thuế" hay không.

Ngay lập tức, lãnh đạo Công đảng đối lập Anh, Jeremy Corbyn lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Cameron cần công khai các bảng khai thuế cá nhân và thể hiện một quan điểm dứt khoát về vấn đề này, như cân nhắc từ chức chẳng hạn.

Vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay đã làm rung chuyển thế giới, không chỉ ở trên chính trường mà hàng loạt "sếp" lớn của các "đại gia" ngân hàng cũng đã phải từ chức vì có tên trong bê bối trốn thuế này.

Ngày 7-4, ông Bert Meestadt, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu đã tuyên bố từ chức. Trước đó, Michael Grahammer, Giám đốc điều hành Ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo cũng đã tuyên bố từ chức sau khi ngân hàng bị đề cập trong vụ "Tài liệu Panama".

Cho tới thời điểm này, các quốc gia liên quan đang ráo riết mở các cuộc điều tra pháp lý và người ta dự báo là danh sách từ chức sẽ còn dài thêm.

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân