Những nhà báo "kích nổ quả bom thông tin" Hồ sơ Panama
Không chỉ gây chấn động thế giới với nguồn thông tin lớn gấp 1.000 lần mà WikiLeaks từng tiết lộ cách đây 6 năm, “Hồ sơ Panama” còn tác động đến thế giới ngầm, tài sản ngầm và ảnh hưởng mạnh đến chính trường thế giới. Và những người cung cấp cho công chúng những thông tin này không ai khác chính là các nhà báo đến từ Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ).
Dấu ấn ICIJ
Trong nhiều năm qua, ICIJ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phanh phui các vụ bê bối lớn trên thế giới, góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ trốn hoặc gian lận thuế. Bên cạnh đó, các vấn đề mà ICIJ tập trung điều tra còn có tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng và trách nhiệm giải trình của những người nắm quyền lực.
Ngay sau khi nắm được thông tin về một nguồn tài liệu đồ sộ mang tên “Hồ sơ Panama”, ICIJ đã đứng ra thành lập một đội điều tra với gần 400 phóng viên đến từ hơn 100 cơ quan báo chí trên khắp thế giới.
Đội phóng viên điều tra này được đặt trực tiếp dưới sự chỉ huy của Marina Walker, Phó Giám đốc ICIJ, một cựu phóng viên điều tra người Argentina. Marina Walker có hơn 20 năm trong nghề báo, từng phanh phui các vụ án tham nhũng về môi trường, khai khoáng, buôn lậu thuốc lá… và từng hợp tác trong vụ tung thông tin về các tài liệu trốn thuế trong Ngân hàng HSBC, chi nhánh tại Thụy Sĩ.
Bà cũng đã giành nhiều giải thưởng báo chí quốc tế ở 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có giải thưởng George Polk của Đại học Long Island, giải phóng viên điều tra, biên tập viên điều tra, giải của CLB báo chí quốc tế, Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp xã hội và giải thưởng của Ủy ban Châu Âu.
Hỗ trợ Marina Walker trong việc điều hành và lập kế hoạch tung tài liệu sao cho chuẩn, nhanh và hiệu quả là Giám đốc ICIJ Gerard Ryle.
Gerard Ryle là người Australia và từng kinh qua nhiều vị trí phóng viên, biên tập viên, chủ bút ở nhiều tờ báo khác nhau tại Australia và Ireland, trong đó có một loạt tờ báo nổi tiếng như The Sydney Morning Herlad, The Age. Ông có ít nhất 4 lần được vinh dự trao tặng các giải thưởng báo chí cao quý của Australia và từng là Phó Tổng biên tập tờ The Canberra Times và là tác giả của nhiều cuốn sách viết về nghề báo…
Cặp bài trùng người Đức
Tuy nhiên, ICIJ chỉ có vai trò tập hợp và giúp phát triển nguồn tài liệu còn việc thu thập và tiếp cận với nguồn thông tin này lại do hai phóng viên của tờ Suddeutsche Zeitung thực hiện. Đó là Frederik Obermaier và Bastian Obermayer.
Hai phóng viên này đã được người đưa tin vô danh tự nhận là “John Doe” cung cấp 2,6 terabyte dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca tại Panama, trong đó hé lộ về một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên toàn thế giới, dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, rửa tiền.
Frederik Obermaier từng học chuyên ngành khoa học chính trị, địa văn hóa và báo chí tại Eichstatt (Đức), Bogota (Colombia) và Sanaa (Yemen). Trước khi gia nhập tờ Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier đã làm việc cho hãng DPA, tờ Franfurter Rundschau và 2 tạp chí Zeit Campus, Neonand Polityka của Phần Lan. Hãng Reuters cho biết, tại Suddeutsche Zeitung, Frederik Obermaier được phân công phụ trách mảng chính trị ở Trung Đông và các vấn đề về tình báo, chống khủng bố.
Năm 2010, anh từng xuất bản cuốn sách mang tên: “Quốc gia trên bờ vực: Thất bại của chính phủ và mối đe dọa chiến tranh ở Yemen”. Chưa hết, Frederik Obermaier còn là một thành viên của ICIJ và từng tham gia điều tra một số thông tin quốc tế. Anh cũng là nhân vật chính tiết lộ những công ty bí mật của tỷ phú Gunter Sachs trong vụ trốn thuế ở quần đảo Cook và là người phanh phui bê bối của Công ty Herbert Stepic của Đức khi CEO Reiffeisen phải từ chức tháng 5/2013.
Năm 2011, Frederik Obermaier từng đoạt giải thưởng của hãng CNN khi thực hiện loạt phóng sự về tổ chức FARC ở Colombia và được tạp chí Medium Magazin bình chọn là một trong 30 nhà báo tiêu biểu nhất trong 30 năm qua. Năm 2013, Frederik Obermaier tiếp tục nhận được giải thưởng Wachterpreis…
Còn Bastian Obermayer là phóng viên từng giành nhiều giải thưởng với các bài phóng sự về tội phạm chiến tranh thế giới thứ 2, những kẻ giết người hàng loạt, bê bối sex trong các trường học của nhà thờ.
Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách từng làm mưa làm gió trên thị trường như “Chúa là màu vàng” nói về mối quan hệ làm ăn sai trái của 19 triệu thành viên của một CLB tên là ADAC; “Anh trai, anh đã làm gì” kể về bê bối lạm dụng tình dục bé trai ở nhà thờ và “Những bức thư gửi từ tiền tuyến – lính Đức kể về chiến tranh ở Afghanistan”… Với những đóng góp của mình, Bastian Obermayer đã được vinh danh trong giải thưởng Theodor-Wolf-Preis năm 2009, giải Henri-Nannen-Preis năm 2010 và Helmut-Schmidt-Preis năm 2013.
Và công nghệ trong nghề báo
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Politic hôm 5-4, Frederik Obermaier kể rằng, cuối năm 2014, trong một lần đang “lang thang” trên mạng Internet thì anh nhận được một tin nhắn của một người lạ. Người này tự xưng với anh là John Doe và hỏi anh có thích thú với những tài liệu mà anh ta đang nắm giữ hay không. Khi đó, sự nhạy cảm của một phóng viên điều tra khiến Frederik Obermaier khá thận trọng khi trả lời. Sau đó vài ngày, người này lại chủ động tiếp cận với anh qua các phòng chat hoặc gửi email.
Anh giới thiệu với John Doe về Bastian Obermayer và từ đó cả ba thường trao đổi thông qua các chương trình trò chuyện được mã hóa trên Signal, Threema rồi đến PGP, S/MIME. Khi bắt đầu tiếp nhận các nguồn tài liệu của “Hồ sơ Panama”, để bảo đảm an toàn nguồn tin của mình; Frederik Obermaier và Bastian Obermayer thường xóa ngay các đoạn hội thoại chat.
Sau này, hai nhà báo đã được ICIJ hỗ trợ thêm phần công nghệ là phần mềm của Công ty Nuix Pty của Australia. Nhờ có phần mềm này mà các nhà báo có thể sàng lọc một cách dễ dàng các dữ liệu có được và sắp xếp chúng theo trình tự từng chủ đề cần khai thác.
Theo Chi Anh
Công an nhân dân