Mỹ đổ quân vào Libya chống IS, tạo thế đối phó Nga?
Tổng thống Barack Obama vừa tuyên bố sẽ đẩy mạnh kế hoạch tấn công IS tại Libya trong bối cảnh nước này đang bị sa lầy trên chiến trường Syria.
Mỹ quyết tâm ngăn chặn IS tại Libya
Ngày 16/2, phát biểu trong cuộc họp báo tại bang California, Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Washington sẽ tiếp tục nỗ lực chặn tổ chức khủng bố IS thiết lập thành trì tại Libya – quốc gia hiện đang chìm trong những bất ổn về chính trị.
Theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác trong liên minh quân sự để tìm kiếm và nắm bắt cơ hội ngăn chặn IS xây dựng thành trì tại Libya. Hiện Mỹ đã có một kế hoạch hành động và mục tiêu rõ ràng về vấn đề này.
Đây không phải là lần đầu tiên Washington khẳng định sẽ đưa quân vào Libya để tiến hành các cuộc chiến với IS.
Trước đó, ngày 28/1, Tổng thống Obama đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về chiến dịch hiện tại và các bước đi tiếp theo.
Biên bản cuộc họp ở Nhà Trắng có đoạn: “Tổng thống đã chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia tiếp tục các nỗ lực để tăng cường sự quản lý và hậu thuẫn các nỗ lực chống khủng bố ở Libya và các nước khác, nơi IS đang tìm cách thiết lập sự hiện diện”.
Cùng ngày, phát biểu với hãng tin Pháp, Trung tá Michelle Baldanza cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã chuẩn bị kỹ càng cho việc đổ quân vào Libya để đối phó với IS.
“Chúng tôi đã ở thế sẵn sàng triển khai đầy đủ các chiến dịch quân sự theo yêu cầu. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế để làm giảm nhiệt cuộc xung đột ở Libya, thúc đẩy sự ổn định và tăng cường công tác quản trị”, Trung tá Michelle Baldanza khẳng định.
Các quan chức quân đội Mỹ cũng khẳng định việc đưa quân vào Libya là cần thiết và hết sức nghiêm trọng.
“Hành động ở Libya là vô cùng cần thiết, trước khi nước này trở thành nơi ẩn náu của IS và trước khi việc đánh bại chúng trở nên cực kỳ khó khăn. Chúng tôi không muốn tình hình sẽ diễn ra như ở Iraq hay Syria”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Mỹ muốn tạo thế đối đầu Nga trên chiến trường?
Thực tế sau khi chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Libya bị lật đổ vào năm 2011, đất nước này luôn rơi vào tình thế hỗn loạn và thiếu vắng một chính phủ thực sự.
Trong bối cảnh đó, một nhóm các tay súng nước ngoài, các tay súng trong nước, một số bộ lạc và tàn dư của Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya đã hợp nhất dưới ngọn cờ của IS và giành được chỗ đứng tại đây. Các phần tử thánh chiến này mới đây đã giành được quyền kiểm soát Sirte - quê hương của ông Gaddafi và là thành phố cảng chiến lược gần các mỏ dầu có thể cung cấp cho chúng nguồn lợi lớn.
Trước đây, các hoạt động của Mỹ tại Libya chỉ dừng lại ở những cuộc không kích nhỏ lẻ và thu thập thông tin tình báo, tuy nhiên thời gian gần đây Nhà Trắng đã tấn công mạnh mẽ hơn nữa trên chiến trường nhằm đối phó với IS.
Ngày 14/6/2015, Mỹ thông báo đã tiến hành chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt trùm khủng bố người Algeria Mokhtar Belmokhtar ở Libya.
Tháng 11/2015, một chiến đấu cơ F-16 của Mỹ đã tấn công vào thị trấn miền Đông Derna và tiêu diệt Abu Nabil - được biết với cái tên Wissam Najm Abd Zayd al-Zubaydi - thủ lĩnh của IS tại địa phương.
Lầu Năm Góc ngày 7/12 tuyên bố đã tiêu diệt lãnh đạo tổ chức IS tại Libya là Abu Nabil trong cùng ngày xảy ra vụ khủng bố Paris.
“Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ không kích khủng bố ở Libya nhưng đây là lần đầu tiên cuộc không kích của Mỹ nhắm cụ thể vào một lãnh đạo IS ở Lybia. Điều này càng chứng minh rằng chúng tôi sẽ truy lùng thủ lãnh IS ở bất kỳ nơi nào mà chúng hoạt động”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook tuyên bố.
Rõ ràng Washington đang dần thay đổi chiến lược và chú trọng đẩy mạnh các kế hoạch quân sự của nước này tại Libya.
Giới phân tích cho rằng, sau màn thể hiện bạc nhược, yếu ớt của Mỹ trên chiến trường Syria dẫn đến uy tín của nước này bị giảm nghiêm trọng, vị trí dẫn đầu rơi vào tay Nga, thậm chí còn hứng chịu thêm những cáo buộc không kích hời hợt để hỗ trợ IS, Nhà Trắng đang muốn lật lại tình thế khi quyết định đưa quân vào Libya.
Khu vực bất ổn này đang thiếu vắng một chính phủ thực sự có thể lãnh đạo và triển khai các kế hoạch quân sự làm đối trọng chống lại IS. Vì thế, nhân lúc Moskva và các nước đồng minh chưa quan tâm đến mặt trận này, Nhà Trắng đang muốn tạo dấu ấn tại Libya để cân bằng với Nga trên chiến trường Syria.
Theo Tương Lai (Tổng hợp)
Đất Việt