1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ điều tàu tuần tra Biển Đông: Thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc

(Dân trí) - Sau nhiều tháng tranh luận, chính quyền Mỹ cuối cùng cũng đã quyết định cử tàu khu trục tới bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều hoạt động được cho là phục vụ mục đích quân sự hóa tại đây.

 

Tàu khu trục USS Lassen được cử tới Biển Đông tuần tra (Ảnh: AFP)
Tàu khu trục USS Lassen được cử tới Biển Đông tuần tra (Ảnh: AFP)

Ngày 26/10, Mỹ bắt đầu quá trình thách thức "bức tường cát" của Trung Quốc tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh cho cải tạo nhiều bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo, bằng cách cử tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo.

Quyết định của Washington được đưa ra là nhằm "lập lại trật tự quốc tế" trước sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, động thái này có khả năng dẫn tới căng thẳng và thậm chí là xung đột trong giai đoạn ngắn ở vùng biển này. Dẫu vậy, giới quan sát cho rằng quyết định cử tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo của Mỹ sẽ cản trở quá trình mở rộng các khu vực của Trung Quốc tại một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới.

Có thể nói sau nhiều tháng thảo luận và kêu gọi hỗ trợ từ các đồng minh châu Á, chính quyền Mỹ đã quyết định ra lệnh cho một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào vùng 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Biển Đông. Ngay sau khi có mặt tại khu vực này, tàu chiến Mỹ sẽ thực hiện hoạt động tuần tra.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết với tờ Foreign Policy rằng các hoạt động bảo đảm "tự do hàng hải" sẽ được thực hiện trong khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng sẽ tiến hành các chuyến bay do thám để hỗ trợ hoạt động tuần tra của tàu khu trục.

"Chúng tôi sẽ hoạt động ở vùng biển quốc tế trong thời gian mà bộ chỉ huy lựa chọn", quan chức Mỹ trên cho hay.

Chính quyền Mỹ từng khẳng định hoạt động nói trên rất quan trọng trong việc bảo vệ trật tự dựa trên các quy định quốc tế mà Trung Quốc đã nhiều lần bỏ quan khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông trong những năm gần đây.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích và quan chức kỳ cựu của Mỹ cho rằng hoạt động tuần tra của một tàu khu trục ở vùng gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa phải là thông điệp mạnh mẽ để Bắc Kinh ngưng hoạt động cải tạo đảo hoặc "hạ giọng" trong những tuyên bố đòi chủ quyền cho các khu vực ở Biển Đông.

Tuy nhiên, quyết định cử tàu tới tuần tra của Mỹ cũng được xem là một thông điệp trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực, những quốc gia mà Washington đánh giá có thể hỗ trợ họ trong quá trình "khống chế" Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Michael Green, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho rằng: "Có một sự đồng thuận giữa các đồng minh trong lĩnh vực hàng hải ở Thái Bình Dương và các hoạt động tuần tra cần phải được Mỹ đứng ra tiến hành vì người Trung Quốc đã vượt giới hạn quá xa. Mỹ cần phải hành động trước khi họ mất tín nhiệm trong khu vực".

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố nước này không có ý định "quân sự hóa" các khu vực mà nước này đang kiểm soát ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lập luận trái ngược khi khẳng định Bắc Kinh có quyền xây dựng "các cơ sở quân sự" phục vụ "mục đích phòng vệ" tại những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tới nay, Trung Quốc chưa chính thức đòi chủ quyền cho khu vực 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông song các nhà ngoại giao nước này luôn nhắc tới bản đồ "đường chín đoạn", trong đó đòi chủ quyền của gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Đây là quan điểm vấp phải sự phản ứng của nhiều quốc gia trong khu vực, cũng như dư luận các nước chỉ trích về sự "tham lam" của quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Trung Quốc đòi chủ quyền của họ trong cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn. Do vậy, quyết định cử tàu tới tuần tra của Mỹ sẽ được xem là động thái không công nhận gián tiếp đòi hòi của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ cần phải cẩn trọng vì các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của nước này trong khu vực có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng căng thẳng", ông James Kraska, giáo sư về luật đang giảng dạy tại Đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ.

Ngay sau khi Mỹ quyết định đưa tàu tới tuần tra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng nếu thông tin truyền thông đưa về hoạt động này là chuẩn xác, Trung Quốc sẽ yêu cầu Mỹ xem xét lại trước khi hành động, không nên hành động mù quáng hay gây sự.

Giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giới hạn phản đối qua kênh ngoại giao, thay vì có các hành động quân sự tại Biển Đông, đặc biệt là khi Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra là nhằm bảo đảm quá trình tự do hàng hải trong khu vực.

"Mỹ đã có sự chuẩn bị khi Trung Quốc tìm cách phản đối bằng việc cho tàu hoặc máy bay ra chặn. Họ sẽ cố gắng thể hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Mỹ đáng lẽ phải đưa tàu tới Biển Đông vào cuối tháng 8 khi Trung Quốc cho 5 tàu chiến tới biển Bering trong thời điểm Tổng thống Obama tới thăm Alaska", Giáo sư Kraska đánh giá.

Trong khi đó, ông Michael Green nhận định khó có khả năng xảy ra xung đột quân sự tại Biển Đông trong thời gian tới, dù Trung Quốc chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ giảm bớt các hoạt động xây dựng ở các khu vực tại Biển Đông.

"Tôi cho rằng Trung Quốc không có ý định giải quyết vấn đề bằng quân sự vào lúc này. Đây chưa phải lúc vì kinh tế của họ đang gặp nhiều vấn đề. Họ sẽ tiếp tục làm điều họ muốn và ra tuyên bố đòi chủ quyền cho các hòn đảo nhân tạo hoặc tiến hành một hoạt động quy mô nhỏ nào đó để khẳng định sự hiện diện tại Biển Đông", ông Green nhận xét.

Ngọc Anh

Theo ForeignPolicy

 

Mỹ điều tàu tuần tra Biển Đông: Thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm