1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ đẩy mạnh sản xuất loại vũ khí giúp chiếm ưu thế trên biển

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã khuyến khích quân đội Mỹ tăng cường sản xuất các tàu ngầm không người lái cỡ lớn.

Mỹ đẩy mạnh sản xuất loại vũ khí giúp chiếm ưu thế trên biển - 1
Tàu ngầm không người lái Echo Voyager của hãng Boeing. Đây là nguyên mẫu cho các tàu ngầm không người lái tấn công Orca của Hải quân Mỹ (Ảnh: Boeing).

Trong chuyến thăm đến Trung tâm Thông tin Tác chiến Hải quân Thái Bình Dương ngày 28/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã được cập nhật về tình hình phát triển các loại tàu ngầm và tàu chiến không người lái cho Hải quân Mỹ.

"Các bạn đang phát triển những công nghệ vượt trội ở đây, tôi yêu cầu các bạn tiếp tục nỗ lực và tìm tòi sáng tạo để hoàn thiện sản phẩm", ông Austin nói.

Theo Bộ trưởng Austin, trong bối cảnh hiện nay, những loại tàu ngầm không người lái cỡ lớn sẽ là giải pháp tiềm năng để giúp quân đội Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trên biển trước thách thức của các cường quốc khác.

Vào tháng 4, Hải quân Mỹ đã ra mắt tàu ngầm không người lái cỡ lớn Orca với nhiệm vụ ban đầu là rải mìn ở đáy biển và mang theo ngư lôi chống tàu ngầm. Các chuyên gia quân sự tin rằng trong thời gian tới, các tàu ngầm Orca sẽ được trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và tác chiến điện tử.

Vào năm 2019, Hải quân Mỹ đã ký với tập đoàn Boeing một hợp đồng trị giá 274,4 triệu USD để sản xuất 5 chiếc Orca đầu tiên cho lực lượng này.

Theo nhà nghiên cứu cao cấp David Ochmanek từ tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corp, các tàu ngầm tấn công không người lái, với ưu điểm là giá thành rẻ và dễ sản xuất, có thể mang đến một ưu thế rất lớn cho Hải quân Mỹ tại các điểm nóng hàng hải hiện tại như eo biển Đài Loan.

Mỹ đẩy mạnh sản xuất loại vũ khí giúp chiếm ưu thế trên biển - 2

Thiết kế tàu ngầm không người lái Orca của Hải quân Mỹ (Ảnh: Boeing).

Dự kiến, kế hoạch phát triển các tàu ngầm loại này của Mỹ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên còn lại của Hiệp ước An ninh AUKUS, bao gồm Anh và Australia. Ba nước này đã lên kế hoạch chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm để tăng tốc độ phát triển, qua đó có thể thử nghiệm chung các phương tiện không người lái dưới đáy biển vào năm tới.

Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh đã công bố dự án CETUS nhằm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm một tàu ngầm không người lái. Dự án này được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tài khóa 2021-2022 với chi phí dự kiến là 21,5 triệu bảng Anh

Bên cạnh đó, Hải quân Anh cũng đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm không người lái Manta. Công ty MSubs, nhà sản xuất các tàu lặn chuyên dụng của Anh, đã được giao nhiệm vụ thực hiện dự án này.

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm