Mỹ "đau đầu" giải bài toán chia sẻ vắc xin thừa cho thế giới
(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nghiên cứu các phương án để phân bổ hàng triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước trên thế giới theo cam kết.
Vào tháng 4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chia sẻ hàng triệu liều vắc xin Covid-19 với thế giới trước cuối tháng 6. Năm tuần sau, các nước vẫn đang chờ xem lô vắc xin của Mỹ sẽ được chuyển đi đâu và Washington sẽ phân phối chúng như thế nào, mặc dù sự thiếu kiên nhẫn của các nước ngày càng tăng lên.
Đối với Tổng thống Biden, những liều vắc xin này đóng vai trò như "món quà" dành cho các đối tác của Mỹ, nhưng cũng là một công cụ cần thiết cho hệ thống y tế toàn cầu, vì có thể cứu sống hàng triệu người và giúp các nước trở lại cuộc sống bình thường, ngay cả khi họ là bạn bè hay đối thủ của Mỹ.
Cam kết hỗ trợ vắc xin của Mỹ
Câu hỏi đặt ra dành cho Tổng thống Biden là nên cung cấp bao nhiêu liều cho những nước cần vắc xin nhất, và bao nhiêu liều nên dành cho các đối tác của Mỹ.
Theo AP, ở thời điểm hiện tại, câu trả lời dường như là chính quyền sẽ cung cấp phần lớn vắc xin cho COVAX - chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia có thu nhập thấp.
Mặc dù Mỹ vẫn chưa công bố số lượng vắc xin đóng góp cho COVAX, nhưng sự đóng góp của Mỹ được cho là sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình này trong bối cảnh COVAX mới chỉ chia sẻ được 76 triệu liều cho các nước khó khăn. Trong khi đó, Ấn Độ, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, vẫn đang quay cuồng chống bão Covid-19.
Chính quyền Biden đang xem xét dự trữ khoảng 1/4 số vắc xin thừa để phân phối trực tiếp cho từng quốc gia mà Mỹ lựa chọn. Kho dự trữ vắc xin Covid-19 ngày càng tăng của Mỹ không chỉ được coi là bằng chứng cho sự vượt trội của người Mỹ mà còn là sức mạnh toàn cầu của nước này.
Hơn 50% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và hơn 135 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Nhiều quốc gia đã đề nghị Mỹ chia sẻ vắc xin, nhưng cho đến nay chỉ có Mexico và Canada đã nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng đã công bố kế hoạch chia sẻ vắc xin với Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ Hàn Quốc - lực lượng đang đồn trú cùng các quân nhân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, kế hoạch chia sẻ vắc xin của Mỹ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây cũng là chủ đề của các cuộc tranh luận chính sách bên trong Nhà Trắng và chính phủ liên bang Mỹ, liên quan đến COVAX và các đối tượng khác như các nhà sản xuất vắc xin và chuyên gia hậu cần.
"Đất nước của chúng ta sẽ trở thành kho vắc xin cho phần còn lại của thế giới", Tổng thống Biden nói hôm 17/5, khi ông tuyên bố Mỹ sẽ cam kết chia sẻ nhiều vắc xin hơn.
Ông Biden nói thêm rằng, so với các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc - những nước tìm cách tận dụng nguồn vắc xin sản xuất trong nước để nâng cao tầm ảnh hưởng, Mỹ "sẽ không sử dụng vắc xin của mình để đổi lại sự ủng hộ từ các quốc gia khác".
Tuy nhiên, quan hệ đối tác với quân đội Hàn Quốc cho thấy khả năng Mỹ sẽ sử dụng kho dự trữ vắc xin của mình để mang lại lợi ích cho một số đồng minh khá giả. Hiện chưa rõ liệu Hàn Quốc có trả tiền cho các liều vắc xin từ Mỹ hay không, trong khi hầu hết vắc xin của Mỹ dự kiến sẽ được tặng.
Phát biểu tại trụ sở quốc hội Mỹ tuần trước, Samantha Power, quan chức tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đã hé lộ kế hoạch phân bổ vắc xin của chính quyền Biden.
"75% liều vắc xin thừa của chúng tôi có thể được chia sẻ thông qua COVAX. 25% còn lại sẽ được dự trữ để có thể hỗ trợ song phương", bà Power cho biết.
Tuy vậy, các quan chức chính quyền Mỹ khẳng định Tổng thống Biden vẫn chưa chốt phương án cuối cùng về việc phân phối vắc xin và mọi việc vẫn có thể thay đổi. Quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết chính quyền sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới để đồng bộ hóa nguồn cung của Mỹ với các tổ chức chia sẻ vắc xin toàn cầu.
Bài toán đầy thách thức của Mỹ
Theo Reuters, Tổng thống Biden đã cam kết cung cấp cho các quốc gia khác tổng cộng 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca được sản xuất trong nước. Loại vắc xin này chưa được cấp phép sử dụng tại Mỹ, nhưng đã được cấp phép rộng rãi trên khắp thế giới. Các liều vắc xin AstraZeneca do Mỹ sản xuất sẽ được vận chuyển ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có đánh giá an toàn.
Tổng thống Biden cũng đã cam kết sẽ chia sẻ 20 triệu liều dự trữ vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiện có. Mỹ dự kiến sẽ có nhiều liều vắc xin hơn nữa để chia sẻ trong những tháng tới.
"Rõ ràng, phân phối vắc xin là vấn đề đầy thách thức vì rất nhiều quốc gia đang có nhu cầu vắc xin", bà Power nói, đồng thời cho rằng quyết định về nơi cung cấp vắc xin là một "câu hỏi cấp bách" đối với Mỹ.
Theo bà Power, quyết định phân phối vắc xin như thế nào sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như "mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia, quỹ đạo khoa học dịch tễ và y tế cộng đồng, nhận thức về nơi vắc xin có thể hoạt động tốt nhất, cơ sở hạ tầng và sự sẵn sàng của các quốc gia nhận vắc xin".
Chính quyền Biden cũng cam kết ủng hộ 4 tỷ USD cho COVAX để giúp Mỹ mua và phân phối vắc xin. COVAX đã cam kết chia sẻ vắc xin với hơn 90 quốc gia, bao gồm nhiều nước mà Mỹ có quan hệ không mấy suôn sẻ.
Việc để COVAX quyết định việc phân phối phần lớn vắc xin do Mỹ cung cấp được coi là cách công bằng nhất. Phương án này cũng có thể giúp Mỹ tránh bất kỳ hệ quả chính trị nào từ việc chia sẻ vắc xin trực tiếp với các đối thủ.
"Đó không chỉ là biểu tượng của các giá trị Mỹ - mà còn là chính sách y tế toàn cầu khôn ngoan", Tom Hart, quyền giám đốc điều hành của tổ chức ONE Campaign, cho biết.
"Các ổ dịch có thể bùng phát ở Triều Tiên hoặc Iran hay một nơi nào khác mà Mỹ có mối quan hệ căng thẳng. Virus có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu và tôi không muốn một biến thể bùng phát ở một nơi xa xôi nào đó trên thế giới và kháng lại các loại vắc xin mà chúng ta hiện có", ông Hart cho biết.
Ngay cả khi phần lớn vắc xin của Mỹ được phân phối thông qua COVAX, bà Power khẳng định các bên nhận vắc xin vẫn biết rõ những liều vắc xin này có xuất xứ từ đâu.
"Mọi người sẽ biết rất rõ rằng đây là những liều vắc xin của Mỹ, bắt nguồn từ trí tuệ và sự hào phóng của người Mỹ", bà Power cho biết.
Hơn 3,5 triệu người được xác nhận đã tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó Mỹ là nước bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 610.000 người chết.