1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rộ "mốt" du lịch nước ngoài tiêm vắc xin, chuyên gia cảnh báo rủi ro

Minh Phương

(Dân trí) - Một số nước đang thu hút khách du lịch nước ngoài bằng chính sách tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rộ mốt du lịch nước ngoài tiêm vắc xin, chuyên gia cảnh báo rủi ro - 1
Một du khách Mexico tiêm chủng vắc xin Covid-19 ngay trên bãi biển Miami (Mỹ) (Ảnh: AFP).

Thu hút du lịch bằng vắc xin

Hãng hàng không United Airlines từ đầu tháng 5 đã bắt đầu các chuyến bay hàng ngày qua lại giữa thành phố Merida của Mexico với thành phố Houston, bang Texas của Mỹ để vận chuyển khách du lịch. Chỉ vài tháng trước, nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chỉ được vận chuyển một số lượng khách hạn chế.

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ đầu tháng 5, giá vé máy bay từ Mexico đi Mỹ đã tăng 30%-40% so với giữa tháng 3. Hãng American Airlines cũng ghi nhận nhu cầu đi lại từ Colombia, Ecuador, Mexico đến Mỹ tăng vọt.

Một trong những nguyên nhân được cho là bởi du khách nước ngoài đổ xô đến Mỹ để tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh Mỹ thừa vắc xin, trong khi nhiều nơi khác trên thế giới khan hiếm.

Một số thành phố và một số bang của Mỹ đã đưa ra chính sách tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí cho du khách nhằm thu hút khách du lịch. Ví dụ, Texas, Arizona và California sẵn sàng tiêm vắc xin Covid-19 cho những người có giấy tờ xác nhận nhân thân kèm theo ảnh, không kể là giấy tờ gì hoặc do nước nào cấp. Giới chức Alaska cũng thông báo từ tháng 6 sẽ cấp vắc xin miễn phí cho bất cứ du khách nào xuống một trong 4 sân bay chính của bang.

Sau khi xóa bỏ quy định chỉ tiêm chủng cho người cư trú tại địa phương, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng đưa ra kế hoạch lập các điểm tiêm vắc xin ở những điểm thu hút khách du lịch như Công viên trung tâm, cầu Brooklyn. Hiện khoảng 20 bang của Mỹ có chính sách tiêm chủng vắc xin cho bất cứ ai không nhất thiết phải là công dân Mỹ.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thúc đẩy du lịch nhờ vắc xin. Các hãng lữ hành cũng quảng cáo các tour du lịch đến Moscow để du khách có thể tiêm vắc xin Sputnik V của Nga, hay đến Dubai để tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc. Chính sách du lịch vắc xin của Mỹ tạo sức hút lớn với du khách Mỹ Latinh, thậm chí cả những du khách châu Âu cũng cân nhắc đến Mỹ nếu biên giới được mở cửa trở lại. Ở một số nước châu Âu, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 còn tương đối thấp so với ở Mỹ. Ví dụ, chỉ 5% dân số Canada đã được tiêm chủng đủ hai mũi, so với của Mỹ khoảng 40%.

Tại châu Á, một số hãng lữ hành Thái Lan đang rao các tour du lịch Mỹ với giá lên đến 6.400 USD bao gồm cả tiêm chủng vắc xin Johnson & Johnson hoặc vắc xin Pfizer.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro

Rộ mốt du lịch nước ngoài tiêm vắc xin, chuyên gia cảnh báo rủi ro - 2
Chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro từ chính sách du lịch tiêm chủng vắc xin (Ảnh minh họa: PBS).

Du lịch vắc xin giúp một số nước khôi phục lại ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, chính sách này cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại, nó cho thấy sự bất bình đẳng về nguồn cung vắc xin giữa lúc đại dịch hoành hành. Một số quốc gia giàu có đã gom nguồn cung dẫn đến tình trạng dư thừa trong khi nhiều nơi khác trên thế giới khan hiếm.

"Du lịch vắc xin có ý nghĩa với những người có điều kiện du lịch đó đây, nhưng có lẽ lại là biện pháp tiêm chủng ít hiệu quả nhất", Tiến sĩ Michael Sinha, chuyên gia tại một trường luật của Mỹ, nhận định. Chuyên gia này cũng cảnh báo: "Nó khiến nhiều người rơi vào tình huống rủi ro. Nhiều người có thể sẽ nhiễm virus gây Covid-19 thậm chí trước khi được tiêm chủng đầy đủ, hoặc thậm chí những người mang mầm bệnh nhưng không triệu chứng sẽ làm lây lan virus ở các sân bay quốc tế, hay trên các chuyến bay đông đúc trước khi đặt chân đến Mỹ".

Các chuyên gia cho rằng, một biện pháp hiệu quả hơn để cân bằng nguồn cung vắc xin Covid-19 là chính phủ Mỹ nên hỗ trợ vắc xin cho các nước khác. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố sẽ cung cấp thêm 20 triệu liều vắc xin cho các nước, sau khi đã cam kết cung cấp 60 triệu liều.