1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Mỹ đang lôi kéo châu Âu vào cuộc “thập tự chinh” nhằm vào Nga”

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon ngày 9/6 cho rằng Mỹ đang lái các quốc gia châu Âu vào một cuộc “thập tự chinh” nhằm vào Nga.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon. (Ảnh:

Cựu Thủ tướng Francois Fillon. (Ảnh: RT)


Trả lời phỏng vấn kênh BFMTV của Pháp, cựu Thủ tướng Fillon cho rằng cuộc “thập tự chinh” hiện nay hoàn toàn đi ngược lại những lợi ích của châu Âu. Ông cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu giờ đây cần phải độc lập hơn nữa trước những chính sách và quan điểm của Washington.

“Hiện nay, châu Âu không còn là một thể độc lập… Mỹ đang lôi kéo châu Âu vào một cuộc thập tự chinh nhằm chống lại Nga. Đây rõ ràng là một cuộc chiến không phù hợp cho các lợi ích của châu Âu”, cựu Thủ tướng Fillon, người từng làm việc trong chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy trong giai đoạn 2007-2012, khẳng định. 

Ông Fillon cũng cho rằng Mỹ đang thúc đẩy những chính sách “cực kỳ nguy hiểm” ở Trung Đông và buộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia thành viên phải chấp nhận. Ông cáo buộc tình báo Đức đã tiến hành các hoạt động theo dõi ở Pháp “song không phải để phục vụ lợi ích của Đức mà là để đáp ứng đề nghị của Mỹ”.

Về vấn đề nợ của Hy Lạp, cựu Thủ tướng Pháp đã chỉ ra rằng Washington đang gây sức ép với Berlin để hối thúc Hy Lạp chấp nhận thỏa hiệp. “Hệ thống tư pháp Mỹ thường xuyên can thiệp ào hệ thống tư pháp ở châu Âu. Có thể nói châu Âu đã không còn độc lập. Tôi cho rằng đã đến lúc cần tổ chức một hội thảo bàn về biện pháp giúp châu Âu khôi phục lại sự tự chủ trong các vấn đề”, ông Fillon tuyên bố.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Pháp cho rằng vấn đề “độc lập” của châu Âu sẽ trở nên không khả thi nếu châu lục này tiếp tục quá trình đàm phán và đạt được thỏa thuận với Mỹ về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

TTIP sẽ tạo ra một thị trường chung với 1 tỷ người tiêu dùng, hài hòa hóa các quy định và dỡ bỏ các hàng rào thuế quan. Hiện các nền kinh tế EU và Mỹ chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Tuy vậy, những ý kiến phản đối TTIP cho rằng hiệp định nêu trên sẽ mang đến những vấn đề về môi trường, đe dọa tới quyền tự chủ kinh tế của các quốc gia, vấn đề thực phẩm biến đổi gene và thất nghiệp.

Ngọc Anh
Theo RT