1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Mỹ đang cố tình chọc tức Triều Tiên vốn dễ nổi cáu”

Đe dọa B-52 có thể “ngu ngốc về mặt chiếc lược” vì làm sống lại nỗi sợ hãi lịch sử của Triều Tiên về một cuộc tấn công hạt nhân.

Căng thẳng đã gia tăng nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên khi những đe dọa từ CHDCND Triều Tiên gặp phải những đáp lại cứng rắn bất thường từ phía Mỹ, mà các nhà phân tích cảnh báo có thể đang đi vào vùng không thể kiểm soát.

Với việc công khai nhấn mạnh triển khai máy bay có khả năng mang bom hạt nhân B-52 và các máy bay tàng hình ở Hàn Quốc, Washington đôi lúc đã có vẻ như cố tình chọc tức một Bình Nhưỡng vốn dĩ đã dễ nổi cáu.

“Chắc chắn là đã có yếu tố: thử một lần đánh nhau xem nào trong lập trường của Mỹ,” Paul Carroll, giám đốc chương trình tại quỹ Ploughshares, một tổ chức nghiên cứu chính sách an ninh ở Mỹ, bình luận. Triều Tiên đã đáp lại theo đúng kiểu ăn miếng trả miếng, với tuyên bố hiện đang ở trong “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc.

Chỉ là đe dọa suông

Những cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã đến rồi đi nhiều thập kỷ qua và thường chỉ là những đe dọa suông từ cả hai phía và một cuộc xung đột thảm họa luôn được ngăn chặn đúng lúc.

Nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành và con trai ông, người kế vị Kim Jong-Il đều là những người thực hiện chính sách đe dọa nhưng không làm thật này. Họ cũng đảm bảo Bình Nhưỡng có đủ sức nặng để nói lời đe dọa, với những vụ việc như làm nổ một máy bay dân dụng của Hàn Quốc năm 1987 hay nã pháo vào một hòn đảo vào năm 2010.

Cuộc khủng hoảng hiện giờ, bắt đầu khi Bình Nhưỡng chỉ trích những lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn, đang có xu hướng đi chệch khỏi các vụ việc tiền lệ trong bối cảnh và các nhân vật có liên quan. Trước các lệnh cấm vận của LHQ, Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa tầm xa vào tháng 12 và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, cũng là vụ lớn nhất, vào tháng Hai.

Với hai động thái liên tiếp này, Triều Tiên có thể đang tố quá mức so với những lá bài họ có trong tay, đồng thời khiến Washington phải quyết định phải chăng mọi việc đã đi ra khỏi giới hạn. “Lên giọng dọa nạt là một chuyện, còn phóng tên lửa và thử hạt nhân là chuyện hoàn toàn khác,” Carroll nói.

Thêm vào đó, cả hai miền Triều Tiên vừa có những lãnh đạo mới, chưa được thử nghiệm với động cơ mạnh từ trong nước rằng họ sẽ không lùi bước trước thách thức. Bruce Klingner, một chuyên gia về Triều Tiên ở Quỹ Heritage, một tổ chức nghiên cứu bảo thủ tại Washington, cho rằng nguy cơ “tính toán sai lầm” đặc biệt cao từ phía nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-Un.

“Mỹ đang cố tình chọc tức Triều Tiên vốn dễ nổi cáu”

Quân đội Triều Tiên diễu binh lớn thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu (ảnh do KCNA phát ngày 29/3)

Ông Kim không chỉ đang lên tinh thần sau vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân thành công mà “cũng biết rằng Seoul và Washington chưa bao giờ đáp trả trong những vụ tấn công gây chết người trước kia”. Tuy nhiên, lần này Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu sẽ đáp trả và sự có mặt của máy bay B-52 và các máy bay ném bom tàng hình cho thấy Mỹ ủng hộ vững chắc lập trường đó.

Đe dọa B-52 là "ngu ngốc về chiến lược"?

Peter Hayes, đứng đầu Viện Nautilus tập trung nghiên cứu về châu Á, chỉ ra rằng việc triển khai B-52 không chỉ là một động thái răn đe. Sau một sự cố ở biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc năm 1976 khiến hai binh sĩ Mỹ thiệt mạng, Mỹ đã cho máy bay B-52 bay trên bán đảo Triều Tiên nhiều tuần lễ, sát ngay không phận miền bắc. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó Henry Kissinger nói “ông chưa bao giờ thấy Triều Tiên sợ hãi như vậy”.

Tuy nhiên, Hayes nói lặp lại đe dọa B-52 lần này có thể “ngu ngốc về mặt chiếc lược” vì làm sống lại nỗi sợ hãi lịch sử của Triều Tiên về một cuộc tấn công hạt nhân từ Mỹ. “Việc triển khai máy bay B-52 cũng là tuyên bố lớn tiếng và rõ ràng rằng họ đã buộc Mỹ phải chơi ván bài chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên”, Hayes nói. “Nó nói lên rằng họ đã tới mức độ một quốc gia được vũ trang hạt nhân đủ để Mỹ đáp lại bằng một đe dọa hạt nhân”.

Có nhiều kịch bản kết thúc cho cuộc khủng hoảng hiện giờ, nhưng không có con đường rõ ràng nào giải quyết dứt điểm mọi vấn đề một cách hòa bình. Hầu hết các nhà phân tích loại trừ khả năng chiến tranh tổng lực bởi lẽ Triều Tiên biết họ sẽ thua trận, cũng như biết rằng tiến hành bất cứ vụ tấn công hạt nhân nào cũng là tự sát.

Quân đội Hàn Quốc được triển khai hôm 29/3 ở Paju (Nguồn: AFP)

Quân đội Hàn Quốc được triển khai hôm 29/3 ở Paju (Nguồn: AFP)

Nhưng sau khi đe dọa đủ thứ từ bắn pháo tới chiến tranh hạt nhân, có cảm giác là Kim Jong-Un cũng đã tự đẩy mình vào thế khó khi phải làm gì đó để tránh mất mặt và mất uy tín. Bắn thử tên lửa khiêu khích ra biển qua lãnh thổ Nhật Bản là một lựa chọn với rủi ro leo thang thấp. Một số nhà phân tích ban đầu dự tính về một vụ nổ pháo giống năm 2010 với đảo Yeonpyeong, nhưng cả Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định sẽ đáp trả thẳng tay.

Scott Snyder, một chuyên gia lâu năm về Triều Tiên ở Hội đồng quan hệ đối ngoại, cho rằng Mỹ, đã tuyên bố thông điệp của họ lớn tiếng và rõ ràng, giờ nên mở ra một lối rút lui cho ông Kim. “Mỹ và Hàn Quốc phải cho thấy một số động thái ngoại giao rõ ràng đảm bảo với Triều Tiên rằng căng thẳng có thể giảm bớt”, Snyder nói./.

Theo Trần Trọng
Vietnam+