1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Cuba: Từ cách mạng 1959 đến ‘Vịnh Con Lợn’

Quan hệ Hoa Kỳ - Cuba chính thức trở nên thù địch từ tháng 3/1960, khi Cuba quốc hữu hóa tài sản của các Công ty Hoa Kỳ, ngược lại, Hoa Kỳ cấm vận nhập khẩu hàng hóa từ Cuba.

LTS: Sau 55 năm quan hệ hoàn toàn đóng băng, mới đây, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vừa cùng tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao toàn diện với nhau, dự kiến Mỹ sẽ mở sứ quán tại Havana. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước Cuba – Hoa Kỳ giai đoạn 1959 đến nay, nghĩa là từ cuộc Cách mạng Cuba chấm dứt chế độ độc tài Batista.

Năm 1898, Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha. Cuba, một đảo quốc thuộc địa của Tây Ban Nha giành được độc lập, nhưng cũng từ đó trở thành một nước phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ.  

Năm 1903, Chính phủ hai nước đã ký hiệp ước cho Hoa Kỳ thuê vĩnh viễn Vịnh Guatanamo. Sự có mặt của người Mỹ ở Cuba từ 1903 - 1959 đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng cả trong đời sống chính trị lẫn kinh tế nước này.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Cách mạng Cuba 1959

Từ khi giành được độc lập, Cuba vẫn là một nước nông nghiệp nghèo. Cho đến năm 1959, xuất khẩu đường mía chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Cuba, nhưng trong đó thì tư bản Hoa Kỳ đã kiểm soát đến 40%. Ngoài ra tư bản Hoa Kỳ cũng đã nắm trên một nửa cổ phiếu của các ngành công nghiệp cơ bản của kinh tế như đường sắt, điện, viễn thông.  

Năm 1952, đại tá Fulgencio Batista (1901 – 1973) tiến hành đảo chính và thiết lập trên đất nước Cuba một chế độ độc tài.  

Luật sư, tiến sỹ luật Fidel Castro (13/8/1926), khi ấy mới 26 tuổi, đã lãnh đạo các sinh viên Cuba, chống lại chế độ độc tài. Ngày 26/7/1953, chỉ với 100 người chủ yếu là sinh viên, họ đã tấn công trại lính Moncada nhưng thất bại. Fidel sau đó sang tị nạn tại Mexico nhưng tại đây, ông vẫn tiếp tục hoạt động, tuyển mộ nghĩa quân cho một cuộc đấu tranh vũ trang du kích mới mà ông đặt tên là “Phong trào 26/7”. Trong số những người đến “đầu quân” có chuyên gia bậc thầy về chiến tranh du kích, người Argentina, Ernesto “Che” Guevara (1928 –1967).  

Ngày 2/12/1956, cùng với 80 nghĩa quân đã được huấn luyện chiến tranh du kích, Fidel lại đổ bộ vào Cuba và một lần nữa tấn công trại lính Moncada, nhưng thất bại.  

Năm 1958, Chính phủ Hoa Kỳ có sự thay đổi trong chính sách, cho rằng không nên dính dáng đến những chế độ độc tài Mỹ - Latinh, nên Bộ ngoại giao quyết định ngừng hỗ trợ vũ khí cho Chính phủ độc tài Batista. Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Cuba lúc đó là Earl Smith lại chủ trương tiếp tục hỗ trợ chính quyền Batista.  

Cuối năm 1958, du kích của Fidel Castro tiếp tục tấn công và giành được thắng lợi. Ngày 10/1/1959, cùng với một quân đoàn cơ giới, Fidel tiến vào thủ đô La Habana. Đại sứ Hoa Kỳ Earl Smith từ chức. Đây là giai đoạn phong trào của Fidel giành được điều kiện thuận lợi trong dư luận và Chính phủ Hoa Kỳ.

Mang tinh thần dân tộc mạnh mẽ, Fidel Castro đề ra cương lĩnh là cần xây dựng một nước Cuba độc lập, không phụ thuộc Hoa Kỳ, nhất là về kinh tế. Một mặt, chính quyền mới có thái độ rất quyết liệt với những người thuộc chính quyền của chế độ cũ Batista. Mặt khác trong chính quyền của chế độ mới vẫn còn tồn tại song song cả lực lượng cánh tả cộng sản và những người thuộc phái “ôn hòa” không cộng sản. Fidel đã cố gắng trung hòa được cả hai phái.  

Tháng 4/1959, Fidel đi Hoa Kỳ nhưng không gặp được tổng thống Dwight D. Eisenhower (1890 – 1969). Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó đứng trước sức ép trong nước, đã thay đổi trước tình hình Cuba, dần dần, cũng phải có những chính sách cứng rắn hơn với Cuba.

Không đạt được tiến bộ nào trong quan hệ với Hoa Kỳ, Fidel cũng phải chịu sức ép, nhất là về kinh tế. Tháng 17/5/1959, Chính phủ Cuba Cách mạng tiến hành cải cách ruộng đất, chia lại đất đai, trong đó có cả đất của các công ty Hoa Kỳ.   

Tháng 7/1959, cảnh sát Cuba phát giác một âm mưu đảo chính trong quân đội Cuba, người cầm đầu là thiếu tá Diaz Lanz lúc đó đang nắm quyền tư lệnh quân đội. Diaz Lanz kịp chạy sang Hoa Kỳ nhờ có sự giúp đỡ của FBI và từ đó trở thành nhân vật chủ chốt trong những người Cuba lưu vong  chống lại nước Cuba Cách mạng.  

Từ đó, quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn. Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của những người Cuba lưu vong, các cuộc tấn công bằng máy bay của những người này xuất phát từ các sân bay ở Florida được tiến hành thường xuyên. Ngày 31/10/1959, cuộc không kích vào thủ đô La Habana đã làm nhiều người chết. Fidel Castro đã chỉ trích chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ rất nặng nề.  

Năm 1959, TT Fidel Castro  gặp phó TT Mỹ Richard Nixon. Ảnh: Getty

Năm 1959, TT Fidel Castro  gặp phó TT Mỹ Richard Nixon. Ảnh: Getty

Đây cũng là thời điểm đặt quan hệ của Cuba với Liên Xô. Ngày 13/2/1960, Cuba và Liên Xô đã ký một Hiệp ước, theo đó Liên Xô cam kết mua của Cuba 5 triệu tấn đường trong 5 năm và Liên Xô sẽ cấp cho Cuba một khoàn tín dụng 100 triệu đôla. Ngày 8/5/1960, Cuba thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Liên Xô sau một thời gian gián đoạn.  

Quan hệ Hoa Kỳ - Cuba chính thức trở nên thù địch từ tháng 3/1960, khi Cuba quốc hữu hóa tài sản của các Công ty Hoa Kỳ, ngược lại, Hoa Kỳ cấm vận nhập khẩu hàng hóa từ Cuba vào, đồng thời bằng mọi biện pháp chặn các nguồn tài chính đi vào Cuba.  

Ngày 17/3/1960, tổng thống Eisenhower cho phép huấn luyện những người Cuba lưu vong để chống lại nước Cuba Cách mạng với mục đích rõ ràng là lật đổ chính quyền của Fidel Castro.

Ngày Mỹ cấm vận nhập khẩu đường Cuba (3/7/1960), cũng là ngày Cuba, bằng tuyên bố của Che Guevara, “từ nay trở thành nước trong phe xã hội chủ nghĩa”.   

Chính sách của Eisenhower lúc đầu chưa ảnh hưởng rõ nét đến John F. Kennedy, người trở thành tổng thống Hoa Kỳ từ 21/1/1961, nhưng lại có một người tham gia rất nhiệt tình vào “vấn đề Cuba”: giám đốc CIA Allen Dulles. Và thế là một “Mặt trận cách mạng dân chủ” được thành lập, bao gồm những người Cuba lưu vong và cả những thành viên cũ của chính quyền Batista; có FBI và CIA hậu thuẫn. Họ tiếp tục theo đuổi phương án dùng người Cuba tấn công trở lại nước Cuba Cách mạng, với vũ khí và huấn luyện quân sự Hoa Kỳ.  

Kennedy bị thuyết phục bởi ý kiến rằng, nếu để Cách mạng XHCN công ở Cuba, nghĩa là Hoa Kỳ đã chấp nhận sự thành công của CNCS ở ngay sát nách mình, các nước Mỹ Latinh. Ngày 5/4/1961, Kennedy chính thức chấp thuận cho phương án được tiến hành bằng các thành lập “Hội đồng Cách mạng Cuba” do một người Cuba lưu vong tên là Jose Miro Cardona.  

Sự kiện Vịnh Con Lợn

Đặc điểm của chiến dịch đổ bộ tấn công Cuba là những người Cuba lưu vong trong “Hội đồng Cách mạng Cuba” tin rằng nhân dân Cuba sẽ chống lại Chính phủ Cuba Cách mạng. Họ chọn đổ bộ từ Vịnh Con Lợn. Kế hoạch là sẽ dùng các máy bay ném bom B-26 của Mỹ, nhưng do những người Cuba lưu vong điều khiển, tấn công chế áp không quân Cuba Cách mạng vào ngày 15/4, và quân đổ bộ sẽ tấn công sau hai ngày.  

Ngày 17/4/1961, cuộc đổ bộ bắt đầu, nhưng thất bại hoàn toàn. CIA đã sai lầm khi báo cáo rằng nhân dân Cuba sẽ ủng hộ cuộc đổ bộ, ngược lại, là thái độ thù địch. Giám đốc CIA Allen Dulles lập tức bị mất chức. Đồng thời Hoa Kỳ và cả Kennedy, đã bị mất mặt trước toàn thế giới.

Không chỉ vậy, các nước Mỹ - Latinh cũng có thái độ khá tiêu cực với chính sách của Hoa Kỳ, và riêng Cuba thì thái độ chính trị trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: con đường XHCN.  

Ngày 27/6/1961, Các tổ chức Cách mạng Hợp nhất (ORI) đã được thành lập thông qua việc hợp nhất Phong trào 26/7 của Fidel Castro và Đảng Xã hội Nhân dân do Blas Roca lãnh đạo và Hội đồng Cách mạng 13/3 do Faure Chomón lãnh đạo. Ngày 26/3/1962, ORI đã trở thành Đảng Thống Nhất Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Cuba (PURSC) và sau đó trở thành ĐCS Cuba vào ngày 3/10/1965.[1]

Ngày 1/12/1961, trong một bài diễn văn, Fidel Castro tuyên bố dứt khoát, Cuba sẽ chọn con đường là Chủ nghĩa Mác – Lênin.

(Còn tiếp)

Theo Phúc Lai
Vietnamnet