1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ cố “vớt vát” thể diện ở Syria

(Dân trí) - Khi một mực từ chối đàm phán với Nga về Syria, chính quyền Obama tin rằng họ vẫn “có cửa” lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Mỹ cũng đã ngấm ngầm có các chuyển động quân sự trong khu vực, nhưng với thế trận hiện nay, mọi nỗ lực xem ra chỉ nhằm vớt vát một phần thể diện.

 


Tổng thống Putin được đánh giá “cao tay” hơn ông Obama trong vấn đề Syria (Ảnh: ABC)

Tổng thống Putin được đánh giá “cao tay” hơn ông Obama trong vấn đề Syria (Ảnh: ABC)

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đứng đầu chiến tuyến đối đầu với Nga tại Syria. Theo tin tức đăng tải trên nhật báo Zama của nước này, để giúp Ankara đối phó với Mátxcơva, Washington đang khẩn trương nâng cấp căn cứ Incirlik thành cơ sở đủ khả năng tiếp nhận 2.500 binh sĩ. Các trại quân sự, cùng những căn nhà bê tông đúc sẵn đang được dựng lên, giống như những gì Mỹ từng triển khai trước khi nổ ra chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Adana, nằm cách biên giới Syria khoảng 95 km về phía Tây Bắc. Nhờ căn cứ này, hoạt động của các tiêm kích và máy bay không người lái có vũ trang sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây cũng là nơi đóng quân của khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ hậu cần cho các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Hồi tháng 8 vừa qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho phép máy bay Mỹ xuất kích từ Incirlik để mở rộng chiến dịch không kích IS sang lãnh thổ Syria.

Đáng chú ý là động thái mở rộng Incirlik diễn ra trùng thời điểm Nga bắt đầu có bước đi can dự mạnh mẽ nhất vào Trung Đông trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Chiến dịch không kích của Nga chống IS đã biến cuộc xung đột Syria thành một cuộc đối đầu mang tầm quốc tế, với sự can dự trực tiếp của các cường quốc quân sự. Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Syria là điều được nhiều người nhắc tới khi mảnh đất này đang trở thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng của nhiều thế lực hùng mạnh khác nhau, trong đó nổi lên nhất là Mỹ và Nga.

Giới phân tích cho rằng Washington đang cố dần lấy đà cho một cuộc đối đầu quân sự tại vùng “chảo lửa” của thế giới, sau khi bị “muối mặt” trước các động thái can dự mạnh mẽ và bất ngờ của Nga. Tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Bộ Chỉ huy trung tâm của Không quân Mỹ đã bắt đầu triển khai trực thăng tìm kiếm và cứu hộ tại căn cứ không quân Diyarbakır nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự của liên quân ở Iraq và Syria. Với sự hiện diện này, quân đội Mỹ chỉ mất 20 phút để triển khai lực lượng sang lãnh thổ Syria.

Những hành động này của Mỹ tuy muộn, nhưng là cần thiết, nhất là sau khi “chú Sam” bị “gấu Nga” qua mặt trong việc đưa quân và vũ khí sang Syria để khởi động chiến dịch không kích IS. Nó cũng cho thấy dù Mỹ đã tuyên bố theo đuổi chính sách xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương từ năm 2011, nhưng những biến động tại Trung Đông khiến chính quyền Obama chưa thể yên tâm chuyển giao quyền lực cho các đồng minh trong khu vực. Quân đội Mỹ vẫn phải quay lại chiến trường này, cho dù có thể không tham chiến trực tiếp như trước đây.

Nhưng kịch bản đối đầu quân sự là điều cả Nga và Mỹ đều không mong muốn. Vậy ý đồ sâu xa của Washington trong các chuyển động quân sự này là gì? Phải chăng Mỹ muốn cân bằng sức mạnh quân sự với Nga tại Syria trước khi đồng ý với đề xuất hợp tác chống khủng bố của Mátxcơva sau rất nhiều lần từ chối trước đó? Đây có thể là một vế của câu trả lời. Vế còn lại nhằm ở chính đội ngũ cố vấn của Tổng thống Obama, những người một mực tin rằng Mỹ vẫn nên tiếp tục theo đuổi kế hoạch lật đổ ông Assad. Một trong số đó là Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn an ninh quốc gia và là một chiến lược gia về địa chính trị thế giới. Ông Brzezinski cho rằng Tổng thống Putin đã phá hỏng kế hoạch bá chủ khu vực của Mỹ và “chú Sam” cần đáp trả nếu Mátxcơva tiếp tục tấn công các tài sản của Mỹ ở Syria.

Tài sản đó, theo nhiều người, chính là những phần tử khủng bố “ôn hòa”. Tuy nhiên, tên lửa Nga không phân biệt đâu là khủng bố “ôn hòa” hay “cực đoan”. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ Nga không chỉ quyết tâm diệt khủng bố, mà còn muốn ngăn chặn thế lực tiếp tay cho lực lượng này. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông mới đây, ông Putin đã thẳng thừng chất vấn: Ai đã và đang trang bị vũ khí cho các phần tử cực đoan ở Iraq và Syria? Ai đã tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho chủ nghĩa khủng bố nở rộ?

Cho đến thời điểm này, không ai tin rằng Mỹ sẽ khởi động một cuộc đối đầu với Nga vì Syria. Thay vào đó, Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sẽ phải chọn giải pháp nhượng bộ, nhất là trong việc quyết định số phận của chính quyền Assad. Bởi, sự hiện diện của Nga ở Syria sẽ vô hiệu hóa mưu đồ thay đổi chế độ ở Damascus thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm do lực lượng thánh chiến Hồi giáo tiến hành. Trong bối cảnh đó, kế hoạch hòa bình Geneva sẽ là lối thoát khả dĩ nhất cho tình hình hiện nay, ít nhất cho tới khi có được một giải pháp toàn diện hơn, dựa trên sự cân bằng lợi ích của tất cả các bên.

Đức Vũ

 

Mỹ cố “vớt vát” thể diện ở Syria - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm