1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ có thể phối hợp với Nhật Bản "kiềm chế" Trung Quốc?

(Dân trí) - Một cố vấn an ninh giấu tên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 11/11 cho biết Mỹ có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật Bản trong quá trình kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lên của Trung Quốc tại châu Á.


Binh sĩ Mỹ và Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ Mỹ và Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Theo dự kiến, Tổng thống đắc cử Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp nhau tại New York vào tuần tới. Nội dung cuộc họp có thể bao gồm việc hai nước đưa ra quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, nước đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á.

Cố vấn an ninh giấu tên trên cho biết, ông Trump muốn Nhật Bản “giữ vai trò năng động hơn ở châu Á”. Theo quan chức này, Thủ tướng Abe, người được miêu tả “là nhân vật có vị trí quan trọng để đưa ra đề nghị trong mối liên minh song phương” và Tổng thống đắc cử Trump sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm xóa những lo ngại “vô căn cứ” của Nhật Bản sau cuộc bầu cử tổng thống hôm 8/11, đồng thời tái khẳng định cam kết giữa hai bên về liên minh an ninh song phương.

Trước đó, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump từng có những phát biểu khiến đồng minh Nhật Bản của Mỹ nhiều lần cảm thấy quan ngại. Ông nói rằng, Nhật Bản và các quốc gia đồng minh khác của Mỹ cần phải đóng góp kinh phí nhiều hơn nữa cho quá trình luân chuyển các đơn vị binh sĩ Mỹ tại những nước này, hoặc không sẽ đối diện với nguy cơ Washington rút toàn bộ lực lượng.

Dựa vào quan hệ quân sự song phương lâu nay giữa Mỹ và Nhật Bản, tuyên bố trên của ông Trump đã tạo ra “sóng gió” ở Tokyo. Nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản nhấn mạnh rằng vấn đề đóng góp kinh phí mà ông Trump nhắc tới là vấn đề không hợp lý.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada hôm 11/11 cũng đã khẳng định rằng nước này đóng góp khoảng gần 200 tỷ Yên (tương đương 1,9 tỷ USD) trong quá trình hỗ trợ sự hiện diện của 50.000 binh sĩ Mỹ tại nước này. Bà Inada nói: “Tôi nghĩ đó là mức kinh phí vừa đủ. Chúng tôi trả những gì mà chúng tôi coi là xứng đáng”.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, có thể trong cuộc gặp cấp cao sắp tới với Thủ tướng Abe, Tổng thống đắc cử Trump sẽ không đề cập tới các vấn đề đóng góp kinh phí mà đưa ra đề xuất về khoản ngân sách, bao gồm việc phát triển hàng chục tàu chiến mới “để gửi thông điệp tới Bắc Kinh và là lời khẳng định với các quốc gia đồng minh khác rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại khu vực châu Á trong thời gian dài”.

Theo đánh giá của giới quan sát, đề xuất tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản nhằm “kiềm chế” Trung Quốc có thể phù hợp với các chính sách an ninh của Tokyo thời gian qua. Năm ngoái, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi, trong một động thái có thể cho phép quân đội Nhật chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên trong 70 năm qua. Đây là một bước ngoặt trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm nới lỏng các giới hạn của hiến pháp hòa bình đối với quân đội.

Ngọc Anh

Theo RT