1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ có thể mở rộng "tẩy chay" các hãng công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ đang lên kế hoạch về một quy tắc mới để gây sức ép lên các đồng minh nhằm "tẩy chay" các hãng viễn thông lớn của Trung Quốc.

Mỹ có thể mở rộng tẩy chay các hãng công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu - 1

(Ảnh minh họa: Getty)

SCMP đưa tin, cơ quan lập pháp Mỹ có kế hoạch đề xuất một quy định mới, trong đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải xem xét lại việc triển khai khí tài quân sự hoặc quân nhân tới bất cứ quốc gia nào sử dụng công nghệ truyền thông 5G của Trung Quốc.

Quy định trên hiện đang được đề xuất trong dự luật quốc phòng thường niên của Mỹ. Nếu nó được thông qua, hai hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei và ZTE sẽ phải chịu thêm áp lực gia tăng từ phía Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiều tháng qua đã cố gắng vận động các đồng minh không dùng công nghệ 5G của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc việc sử dụng thiết bị từ Bắc Kinh sẽ gây ra mối đe dọa tới an ninh và sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng can thiệp vào các hoạt động truyền thông nhạy cảm. Một trong những thành công của chính quyền Trump chính là việc khiến đồng minh quan trọng - Anh - đổi ý khi London hồi tháng 7 đã tuyên bố sẽ cấm Huawei tham gia mạng 5G ở nước này, đảo ngược quyết định cách đó vài tháng.

Thông tin về dự luật quốc phòng được tiết lộ sau khi Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe công khai gọi Trung Quốc là "mối đe dọa số 1" với Mỹ và Huawei là một trong những lý do khiến ông ra kết luận như vậy.

"Tôi đã nói với các đồng minh của Mỹ rằng việc sử dụng công nghệ do Trung Quốc sở hữu sẽ làm giới hạn nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc chia sẻ thông tin tình báo của Washington với họ", ông Ratcliffe cho hay.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi đồng minh của Mỹ tham gia vào sáng kiến "Mạng lưới sạch" nhằm cam kết sẽ không dùng công nghệ 5G từ Trung Quốc. Tháng trước, ông Pompeo nói rằng có 50 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến nói trên.