1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể đưa nhóm tàu sân bay tới Biển Đông để "nắn gân" Trung Quốc?

(Dân trí) - Giới chức Hải quân Mỹ mới đây cho biết lãnh đạo quân đội nước này cùng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương muốn tăng cường các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông bằng cách điều thêm tàu tuần tra ở những khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở vùng biển này.


Tàu chiến Mỹ tham gia hoạt động tuần tra. (Ảnh: Euronews)

Tàu chiến Mỹ tham gia hoạt động tuần tra. (Ảnh: Euronews)

Navy Times đưa tin, theo 3 quan chức hải quân Mỹ giấu tên, các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ( FONOP) có thể được tiến hành bởi các tàu thuộc nhóm sân bay Carl Vinson.

Kế hoạch của Hải quân Mỹ có thể cho phép các tàu chiến của nước này đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây được xem là một động thái có thể đặt ra thách thức mới trước những đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, vốn đã gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm ngoái.

Kế hoạch nêu trên đang được thúc đẩy trước khi trình lên để Tổng thống Donald Trump phê duyệt. Và đây có thể là kế hoạch "mở đầu" cho chiến lược của chính quyền mới tại Mỹ cho chính sách đối ngoại ở châu Á trong thời gian tới.

Trước đây, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cắt giảm các hoạt động xung quanh những khu vực tranh chấp như quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc cũng có nhiều hoạt động xây dựng trái phép và bị các nước trong khu vực phản đối. Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng những đường băng có thể phục vụ mục đích quân sự trên những đảo nhân tạo và đã triển khai các loại vũ khí phòng không tới.

Giới lãnh đạo Hải quân Mỹ tin rằng FONOP sẽ giúp xác định rõ những quyền được luật quốc tế quy định và giúp nước này duy trì ảnh hưởng tại khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc coi các hoạt động của Mỹ là sự thách thức với tham vọng đòi chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh. Bà Bonnie Glaser - Giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá: "Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ phải quyết định xem họ muốn làm điều gì ở đây".

"Tôi nghi ngờ Mỹ có thể gây sức ép buộc Trung Quốc rút khỏi những hòn đảo nhân tạo mới xây ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển một chiến lược nhằm ngăn chặn hoạt động bồi đắp, quân sự hoá và kiểm soát việc Trung Quốc sử dụng những tiền đồn ngoài biển đó để đe doạ và gây sức ép đối với các nước láng giềng", bà Glaser nói với Navy Times.

Những tin tức về hoạt động FONOP trong năm 2017 xuất hiện cùng thời điểm có những thông tin từ truyền thông Nhật Bản rằng, trong các cuộc họp kín trong chuyến thăm châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng định với giới chức Nhật Bản rằng quân đội Mỹ đang có kế hoạch tiếp cận quyết đoán với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong những năm qua, giới lãnh đạo quân đội Mỹ như Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, đã có cách tiếp cận khá mạnh mẽ trước những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, nhiều quan chức khác của quân đội Mỹ cũng đã chỉ ra việc nước này từng tổ chức nhiều hoạt động ở Biển Đông trong hàng chục năm qua và cần phải duy trì hiện trạng ở vùng biển này như truyền thống.

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Obama đã không bật đèn xanh để Hải quân thực hiện các sứ mệnh FONOP ở Biển Đông từ năm 2012 tới 2015. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và tiến hành các dự án quân sự ở đây. Nhiều quan chức thuộc giới lãnh đạo Hải quân Mỹ cho rằng chính sách quá thận trọng của ông Obama, vốn nhằm hạn chế những xung đột không cần thiết với Trung Quốc, đã khiến hoạt động tuần tra thông thường trở thành một sứ mệnh bị miêu tả sai và có phần hung hăng.

Do vậy, giới chức Hải quân Mỹ đang tìm cách giảm nhẹ những thông tin về khả năng nhóm tàu sân bay Carl Vinson quay trở lại Biển Đông. Người phát ngôn của Hạm đội 3 - Chỉ huy Ryan Perry khẳng định: "Không có gì mới về các hoạt động của nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ đang được triển khai ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Các tàu thuộc nhóm tàu sân bay này đã tuần tra thường nhật và luân phiên ở các vùng biển trong khu vực suốt 70 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy. An ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực phụ thuộc nhiều vào những hoạt động như thế".

Hiện chưa rõ khi nào tàu sân bay Carl Vinson và những tàu hộ tống sẽ tiến vào Biển Đông. Đây là nhóm tàu gồm các khu trục hạm Wayne E. Meyer và Michael Murphy, tuần dương hạm Lake Champlain. Ngoài ra, nhóm tàu này còn có các phi đội chiến đấu cơ, trực thăng tấn công và hậu cần hỗ trợ.

"Những cái đầu lạnh"

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump từng đưa ra nhiều cáo buộc nhằm vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Sau đó, ứng cử viên của đảng Cộng hoà đã đẩy quan hệ song phương lên gần mức căng thẳng ở thời điểm ngay trước lễ tuyên thệ nhậm chức bằng việc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Tiếp đó, việc lựa chọn ông Rex Tillerson, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, làm Ngoại trưởng Mỹ cũng là động thái của ông Trump khiến Bắc Kinh "khó chịu".

Tuy nhiên, trong những tuần qua, căng thẳng song phương đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump đã bày tỏ cam kết ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc". Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc được cho là cảm thấy hài lòng với bức thư mà Tổng thống Trump gửi Chủ tịch Tập Cận Bình trong đó bày tỏ mong muốn duy trì mối quan hệ xây dựng và đôi bên cùng có lợi.

Các động thái khác cho thấy Tổng thống Trump muốn xây dựng quan hệ thân thiện với Trung Quốc như việc bổ nhiệm Thống đốc bang Iowa - ông Terry Branstad, một người bạn của Chủ tịch Tập Cận Bình, làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, con gái của Tổng thống Trump là Ivanka đã tới thăm Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington nhân dịp Tết âm lịch.

Với những động thái trên, có ý kiến cho rằng sức mạnh quân sự đơn thuần không phải là cách giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Zhiqun Zhu - Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania cho rằng: "Tôi nghĩ việc điều nhóm tàu sân bay tới Biển Đông là quyết định mang tính biểu tượng. Nó cho thấy việc Mỹ muốn bảo vệ các lợi ích quốc gia, trong đó gồm cả hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải. Tuy nhiên, những động thái giương oai vũ lực như vậy sẽ không giúp giải quyết vấn đề và có thể chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Lo ngại về nguy cơ về tính toán sai lầm một lần nữa được nêu ra sau một sự việc hôm 8/2. Khi đó, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc đã áp sát máy bay tuần tra P-3C của Hải quân Mỹ ở không phận quốc tế, gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đây là vụ việc không có chủ ý.

Ngọc Anh

Theo NavyTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm