1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh của Trung Quốc?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, Mỹ có thể đã giải quyết được vấn đề làm thế nào để phát hiện vũ khí siêu thanh của đối thủ, nhưng vẫn chưa đủ khả năng đánh chặn chúng.

Mỹ có thể đánh chặn tên lửa siêu thanh của Trung Quốc? - 1

Mỹ đang nỗ lực theo dõi và nhắm mục tiêu tới các loại vũ khí siêu thanh (Ảnh: L3Harris Technologies).

Hôm 22/12, C4ISRNET, một trang tin công nghệ quân sự của Mỹ, công bố báo cáo đề cập đến các vấn đề và xu hướng mới nổi trong chuyển đổi quân sự toàn cầu và công nghệ chiến tranh tập trung vào mạng lưới vệ tinh làm trung tâm.

Theo báo cáo này, một vệ tinh nguyên mẫu, vốn sẽ giúp Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) theo dõi các mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh, đã vượt qua cuộc đánh giá thiết kế quan trọng, và có thể sẽ sớm được đưa vào chế tạo.

Được đặt tên là Cảm biến theo dõi tên lửa đạn đạo và siêu thanh không gian (HBTSS), nó sẽ hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất như các chòm sao gồm hàng trăm vệ tinh, theo báo cáo.

Hồi tháng 1, MDA đã chọn các nhà thầu gồm L3Harris Technologies và Northrop Grumman để thiết kế, chế tạo và trình diễn các vệ tinh nguyên mẫu cho HBTSS. L3Harris được trao 122 triệu USD, trong khi Northrop Grumman được trao 155 triệu USD để triển khai công việc.

"Sự kết hợp giữa tốc độ cao, khả năng cơ động và độ cao tương đối thấp của một số tên lửa tiên tiến đang nổi lên khiến chúng trở thành mục tiêu thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của chúng ta", Cơ quan Phát triển Không gian Mỹ (USDA) giải thích khi thông báo hợp đồng. "HBTSS là cần thiết, vì chúng ta không thể trang bị các radar trên mặt đất cho Trái đất và các đại dương".

Nói về chiến lược này của Mỹ, chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming cho rằng, vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện hơn tên lửa truyền thống, vì quỹ đạo của chúng khiến các hệ thống chống tên lửa khó tính toán điểm đến.

"Nhưng một chòm sao vệ tinh quỹ đạo thấp như Starlink (dự án phủ sóng Internet đến từng ngóc ngách của hành tinh của công ty SpaceX) có tiềm năng phát hiện và theo dõi tên lửa siêu thanh. Hệ thống này có một điểm yếu lớn là bảo trì rất tốn kém", ông Zhou nói.

Trong khi đó, một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc Song Zhongping nói rằng, ngay cả khi HBTSS có thể phát hiện và theo dõi tên lửa siêu thanh, không rõ liệu Mỹ có thể đánh chặn một vũ khí siêu thanh hay không. Ông nói: "HBTSS có thể đã giải quyết được vấn đề phát hiện, nhưng vũ khí siêu thanh không dễ bị đánh chặn".

Ông Song đồng ý với đánh giá của đồng nghiệp Zhou rằng, Mỹ sẽ cần thiết lập một chòm sao vệ tinh để theo dõi đường bay của tên lửa siêu thanh trên quy mô toàn cầu.

Vào tháng 8, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân bay vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc tới mục tiêu, chứng tỏ khả năng vũ trụ tiên tiến khiến Mỹ phải bất ngờ, báo Financial Times đưa tin.

Một vũ khí siêu thanh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Nó có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu hoặc làm chệch hướng phòng thủ của quốc gia đối thủ trước một cuộc tấn công siêu thanh, mang lại lợi thế chiến lược.

Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ như Lockheed Martin và Raytheon đã phát triển công nghệ vũ khí siêu thanh trong gần 3 thập kỷ qua. Yêu cầu ngân sách năm 2022 của Lầu Năm Góc cho nghiên cứu siêu âm là 3,8 tỷ USD, tăng từ 3,2 tỷ USD trong năm nay.

Nga và Ấn Độ cũng có vũ khí siêu thanh. 3M22 Zircon của Nga có thể bay với tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh và xuyên thủng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa truyền thống.

Ấn Độ đã thử nghiệm một vũ khí siêu thanh được chế tạo trong nước vào tháng 9. Nước này cũng đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, BrahMos II, với sự hợp tác của Nga.