Mỹ có thể chuyển vũ khí giúp Ukraine đối phó tên lửa Nga
(Dân trí) - Mỹ đang xem xét gửi các tên lửa phòng không HAWK cũ cho Ukraine để giúp Kiev đối phó với máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình Nga.
Hệ thống tên lửa MIM-23 HAWK được đưa vào sử dụng từ những năm 1960 và đã được nâng cấp nhiều lần. Theo Reuters, Mỹ có thể gửi một số hệ thống này tới Ukraine để xem chúng có còn hoạt động tốt hay không sau nhiều năm cất giữ.
HAWK là vũ khí phòng không tầm trung di động do tập đoàn vũ khí khổng lồ Raytheon của Mỹ sản xuất, có khả năng đối phó tên lửa. Lục quân Mỹ đã thay thế HAWK bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến những năm 2000, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng loại biên hệ thống này để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động.
Reuters cho biết HAWK sẽ là "bản nâng cấp cho hệ thống tên lửa Stinger" mà Ukraine đã nhận được với số lượng lớn từ các nhà tài trợ phương Tây từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng. Theo các nguồn tin, Mỹ chưa xem xét việc chuyển các hệ thống Patriot tầm xa hơn cho Ukraine.
Chính phủ Mỹ trước đó đã công bố ý định cung cấp Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. NASAMS là một hệ thống của Na Uy, sử dụng tên lửa đánh chặn do Raytheon sản xuất và thay thế cho tên lửa HAWK phiên bản Na Uy trong những năm 1990.
Đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo các lô vũ khí theo kế hoạch được chuyển tới Ukraine sẽ bao gồm 4 bệ phóng tên lửa HAWK của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đã nhận được hệ thống này vào năm 1965 và nâng cấp lên biến thể Improved-HAWK trong hai thập niên tiếp theo.
Mỹ là quốc gia ủng hộ nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2. Washington đã cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 16,8 tỷ USD, bao gồm các vũ khí hiện đại như hệ thống pháo phản lực cơ động HIMARS, pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20/10 thừa nhận ông lo ngại viễn cảnh những khoản viện trợ tương lai cho Ukraine sẽ giảm sút nếu xảy ra kịch bản đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cũng nói rằng, các nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ có thể cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu họ giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp sau cuộc bầu cử.
Tuyên bố trên của các quan chức Mỹ khiến Ukraine lo ngại. Trong khi đó, Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cảnh báo những động thái này chỉ khiến xung đột kéo dài và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Nga gần đây tuyên bố tiến hành hàng loạt cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tại các thành phố ở Ukraine nhằm đáp trả vụ đánh bom cầu Crimea mà Moscow cáo buộc Kiev là chủ mưu. Nga nhắm vào các mục tiêu quân sự, cơ sở năng lượng và thông tin liên lạc của Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết 30% số nhà máy điện tại Ukraine đã bị phá hủy, dẫn đến tình trạng mất điện hàng loạt.