1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ có hoang phí khi tung siêu tiêm kích F-22 Raptor vào Iraq, Syria?

Siêu tiêm kích đắt đỏ F-22 Raptor được cho là “độc cô cầu bại” trên không nhưng liệu Mỹ có hoang phí khi tung chiếc máy bay này vào Iraq và Syria?

Không thực sự cần thiết

Theo ABC News, trong nhiều năm qua, chiếc F-22 Raptor tối tân của Mỹ hầu như không tham gia một chiến dịch quân sự nào. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích việc này bởi F-22 Raptor tiêu tốn tới hơn 80 tỷ USD chỉ để chống lại “một kẻ thù không hề tồn tại”.


Siêu tiêm kích F-22 Raptor vẫn chưa tìm được đối thủ xứng tầm trên không. Ảnh: Không quân Mỹ.

Siêu tiêm kích F-22 Raptor vẫn chưa tìm được đối thủ xứng tầm trên không. Ảnh: Không quân Mỹ.

Sau hơn 1 thập kỷ được đưa vào biên chế quân đội Mỹ, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 này vẫn đang tìm kiếm vô vọng một đối thủ xứng tầm với mình ở trên không dù trong thời gian đó, F-22 Raptor đã được đưa vào sử dụng để không kích phiến quân IS ở Syria và Iraq.

Là một chiếc máy bay phức tạp và đắt đỏ nhất mà Mỹ từng chế tạo, dĩ nhiên F-22 Raptor không thể “bị đắp chiếu” trong các chiến dịch mới nhất của Không quân nước này tại Iraq và Syria, điều đã từng xảy ra trong các chiến dịch trước đó tại Iraq, Afghanistan và Libya.

Kể từ khi tham gia chiến dịch lần đầu vào tháng 9/2014, F-22 Raptor đã “thực hiện đều đặn” 150 đợt không kích và thả tới hơn 2.000 quả bom vào các mục tiêu IS.

“Chúng tôi thường được giao nhiệm vụ tấn công các trại huấn luyện, các cơ sở chế tạo bom, các kho vũ khí, sở chỉ huy và các phương tiện chở dầu lậu của IS”, Đại úy Không quân Mỹ Joseph Simms cho biết: “Chiến đấu cơ F-22 Raptor đã giúp loại bỏ rất nhiều mục tiêu đáng giá”.

Tuy nhiên, các cuộc không kích này được cho là không phù hợp với “chuyên gia không chiến” như F-22 Raptor và chính Không quân Mỹ cũng thừa nhận rằng, việc điều chiến đấu cơ đắt đỏ này là không cần thiết.

“F-22 Raptor không thực sự cần thiết trong chiến dịch này”, người phát ngôn Không quân Mỹ Thiếu tá Tim Smith nói: “Tuy nhiên, dù sao đây cũng là loại vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến ở Syria bởi khả năng tấn công với độ chính xác cực cao”.

Ban đầu, Chính phủ Mỹ định đặt mua hơn 600 chiếc F-22 Raptor, tuy nhiên, chi phí mua sắm đã bị cắt giảm vào năm 2009 nên họ chỉ mua được chưa đầy 200 chiếc. Giá của mỗi chiếc F-22 Raptor, bao gồm cả chi phí nghiên cứu và phát triển đã đội lên trên 400 triệu USD.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 2009 Robert Gates đã giải thích cho việc quân đội Mỹ giảm số lượng F-22 Raptor mà họ định mua sắm vào thời điểm đó như sau: “F-22 Raptor có đầy đủ những tính năng mà chúng tôi cần để có thể đánh bại những phi đội bay hiện đại của đối phương. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, F-22 Raptor hầu như không phù hợp để đưa vào bất kỳ một cuộc xung đột nào”.

2 năm sau, Thượng Nghị sĩ John McCain cay đắng chia sẻ: “Sự thật đôi lúc rất khắc nghiệt. F-22 Raptor chưa từng tham gia bất kỳ một chiến dịch nào… Tôi không nghĩ chúng ta có thể chứng kiến F-22 được tham gia vào một cuộc không chiến thực sự bởi những mối đe dọa kiểu này hầu như không còn tồn tại nữa”.

Nhưng đắt nên vẫn “xắt ra miếng”

Với việc trên chiến trường Syria và Iraq hiện không có những phi đội bay hiện đại xứng đáng là đối thủ cho F-22 Raptor, Không quân Mỹ buộc phải chấp nhận mở rộng nhiệm vụ của chiếc siêu tiêm kích này để F-22 Raptor tập trung vào việc tiêu diệt các mục tiêu trên bộ như chiếc F-16 (rẻ tiền hơn F-22 Raptor rất nhiều) hay chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 Lightning (có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn F-22 Raptor).

Tiêm kích F-16 được ưu ái ở Syria và Iraq hơn F-22 Raptor do có giá thành rẻ hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều. Ảnh Không quân Mỹ
Tiêm kích F-16 được "ưu ái" ở Syria và Iraq hơn F-22 Raptor do có giá thành rẻ hơn và chi phí thấp hơn rất nhiều. Ảnh Không quân Mỹ

Dù không thực sự cần F-22 Raptor, các quan chức Không quân Mỹ vẫn không tiếc lời ngợi khen những “giá trị gia tăng” mà F-22 Raptor có thể đem lại.

Hồi tháng 7/2015, một sĩ quan Không quân Mỹ cho biết F-22 Raptor hoàn toàn có thể tận dụng khả năng tàng hình của mình để áp sát các chiến đấu cơ hay các hệ thống phòng thủ tên lửa của địch mà không sợ bị phát hiện.

Cũng theo viên sĩ quan này, số vũ khí được trang bị trên Raptor có “độ chính xác cực cao dù tấn công vào các mục tiêu ở rất xa và ít gây ra những tổn thất không đáng có nhất trong số các vũ khí mà chúng tôi đang có”.

Thiếu tá Smith cũng chia sẻ quan điểm này và cho biết, F-22 Raptor đã chứng tỏ được giá trị của mình khi đóng vai trò là “máy bay điều phối” trong các chiến dịch không kích của Mỹ trên không phận Iraq và Syria vốn đầy bất trắc.

“Dù không có những loại vũ khí có thể đe dọa trực tiếp đến các chiến dịch không kích của chúng tôi ở Syria và Iraq nhưng với số lượng lớn các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa của các nước cùng hoạt động trên không phận của 2 nước nói trên, nhu cầu “điều phối” mà F-22 Raptor có thể đảm nhiệm là cực kỳ quan trọng”, ông Smith nói.

Tướng Không quân Hawk Carlisle cũng đã hết lời ca ngợi khả năng “điều phối” của F-22 Raptor và khẳng định chiếc tiêm kích này có thể “xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào mà các chiến đấu cơ khác không thể xâm nhập, thay đổi vai trò của mình đồng thời chỉ huy toàn bộ các máy bay khác. Tiêm kích F-22 Raptor đang thể hiện rất tốt vai trò của mình. Khi có sự hiện diện của F-22 Raptor trong cùng một phi đội, các máy bay khác đều hoạt động tốt hơn”.

Ngay cả Thượng Nghị sĩ McCain, người từng hoài nghi về vai trò của F-22 Raptor trước đây cũng đã cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục: “Khả năng áp chế các tên lửa đất đối không của quân Chính phủ Syria trong khi vẫn có thể tiêu diệt các mục tiêu IS trên bộ là một bằng chứng cho thấy sự linh hoạt không thể chối cãi trong tác chiến của F-22 Raptor”.

Chỉ hữu dụng nếu Mỹ cần răn đe đối thủ

Được thiết kế và phát triển từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước nhằm răn đe các loại vũ khí tối tân của Nga và Trung Quốc, F-22 Raptor được cho là không phù hợp để tham gia vào các cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố được trang bị nghèo nàn nhưng vẫn tồn tại dai dẳng như al-Qaeda, Taliban và gần đây nhất là ISIS.

Những người ủng hộ việc chế tạo tiêm kích F-22 Raptor cho rằng, cái giá đắt đỏ của chiếc chiến đấu cơ này là hoàn toàn thích đáng trong trường hợp Mỹ bị đẩy vào một cuộc xung đột với Nga hoặc Trung Quốc- những nước đang phát triển các mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhằm đối chọi với F-22 Raptor.

Chiến đấu cơ T-50 PAK FA mà Nga đang phát triển được cho là sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của F-22 Raptor. Ảnh Không quân Nga
Chiến đấu cơ T-50 PAK FA mà Nga đang phát triển được cho là sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của F-22 Raptor. Ảnh Không quân Nga

Tuy nhiên, hiện tại, Không quân Mỹ vẫn đang phải chấp nhận việc sử dụng chiếc siêu tiêm kích này vào các chiến dịch không kích ở Iraq và Syria cũng như trong các chiến dịch “răn đe” của Mỹ ở các nước khác mà Mỹ tin rằng, sự hiện diện của F-22 Raptor sẽ khiến đối thủ phải run sợ.

Hồi trung tuần tháng 2, Mỹ đã điều 4 máy bay F-22 Raptor bay cùng các máy bay của Hàn Quốc qua bán đảo Triều Tiên. Động thái này được Không quân Mỹ tuyên bố là nhằm “thể hiện mối quan hệ đồng minh chặt chẽ” giữa Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh vài ngày trước đó, Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa khiến nhiều nước trên thế giới hết sức quan ngại./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN