Mỹ chuẩn bị gói vũ khí 1 tỷ USD cho Ukraine giữa "cơn khát" đạn pháo
(Dân trí) - Các quan chức Mỹ cho biết Washington đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine giữa lúc Kiev cạn kiệt đạn dược.
Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ ngày 23/4 cho biết đây là gói viện trợ đầu tiên có nguồn gốc từ dự luật Ukraine - Israel chưa được ký duyệt.
Gói viện trợ bao gồm các phương tiện, đạn phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, đạn pháo 155mm, đạn chống tăng TOW và Javelin cũng như các loại vũ khí khác có thể được đưa vào sử dụng ngay trên chiến trường, theo các quan chức Mỹ.
Tổng thống Joe Biden ban đầu đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ 60,8 tỷ USD cho Ukraine, nhưng sáng kiến này đã bị đình trệ do các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ chối thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về vấn đề này trong nhiều tháng.
Sau nhiều tháng bế tắc, Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã thông qua viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Thượng viện Mỹ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu thông qua dự luật để trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Dự luật nêu ra các ưu tiên, bao gồm việc Washington cung cấp tên lửa đạn đạo và hỗ trợ chiến lược dài hạn cho Kiev.
Theo đó, hơn 1/3 gói viện trợ, tương đương 23,2 tỷ USD, dùng để bổ sung vũ khí, hạ tầng, kho bãi; gần 14 tỷ USD cho hoạt động đào tạo, đáp ứng các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, hơn 11 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Joe Biden cam kết không triển khai quân ở Ukraine, song Mỹ vẫn đang huấn luyện quân đội Ukraine ở những nơi khác và duy trì sự hiện diện trên khắp châu Âu.
Dự luật quy định rằng, trong vòng 45 ngày kể từ ngày ban hành, các cơ quan liên bang phải đưa ra chiến lược kéo dài trong nhiều năm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải thiết lập các mục tiêu cụ thể, dễ dàng đạt được cũng như xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Dự luật này cũng bao gồm việc chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), hệ thống tầm xa được Ukraine sử dụng lần đầu tiên để chống lại Nga vào tháng 10/2023. Kiev từ lâu đã kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của họ trong cuộc chiến hiện tại.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ phê duyệt khoản viện trợ đã mang lại "luồng sinh khí mới" cho quân đội Ukraine. Kiev đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên chiến trường do thiếu đạn dược, hệ thống phòng không và khí tài quân sự.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, gói viện trợ mới của Mỹ cũng khó có thể giúp Ukraine xoay chuyển tình hình chiến sự. Cục diện xung đột sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ chuyển giao viện trợ của Mỹ đến tuyến đầu ở Ukraine sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua.