Viện trợ quân sự của Mỹ giúp Ukraine khắc phục điểm yếu "chí mạng"?
(Dân trí) - Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ mới cho Ukraine đã tiếp thêm nguồn sinh lực cho Kiev. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng xoay chuyển cục diện chiến trường.
Điểm yếu "chí mạng"
Trong một tuyên bố gần đây, Tướng Oleksandr Syrsky, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, đã đưa ra đánh giá ảm đạm về thế trận của quân đội Kiev ở mặt trận phía đông. Ông thừa nhận tình hình đã "xấu đi đáng kể trong những ngày gần đây".
Tướng Syrsky cho biết, các lực lượng Nga đang nỗ lực khai thác lợi thế "ngày càng tăng về nhân lực và đạn dược để xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine.
"Mặc dù bị tổn thất đáng kể, đối phương đang tăng cường nỗ lực bằng cách triển khai các đơn vị mới bằng xe bọc thép, nhờ đó giành được những bước tiến chiến thuật", tướng Ukraine nói.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Ukraine kêu gọi hàng triệu người dân thường sạc pin dự phòng, lấy máy phát điện ra khỏi kho và "sẵn sàng cho mọi tình huống", khi các nhà máy điện của Ukraine bị hư hại hoặc bị phá hủy trong các cuộc không kích khốc liệt của Nga.
Trong bối cảnh viện trợ quân sự từ Mỹ bị đình trệ suốt nhiều tháng, các chỉ huy Ukraine buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc phân bổ các nguồn lực hạn chế khi số người thiệt mạng ngày càng tăng.
Ngay cả trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine hôm 20/4, các chỉ huy Ukraine và các nhà phân tích quân sự đều nhất trí rằng năm thứ ba của cuộc chiến sẽ là một năm vô cùng khó khăn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ đang khoét sâu thêm những thách thức ở mặt trận. Ông cũng cung cấp thông tin mới nhất từ tình báo Ukraine cho thấy Điện Kremlin đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
Theo New York Times, Ukraine phải đối mặt với 3 thách thức lớn nhất trong nhiều tháng qua, gồm thiếu đạn dược, thiếu binh sĩ được huấn luyện bài bản và lực lượng phòng không suy yếu. Trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công, những thách thức này làm tăng nguy cơ lực lượng Nga sẽ xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine.
"Cơn khát" đạn pháo
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ gần đây, Tướng Christopher G. Cavoli, tư lệnh quân sự cấp cao của Mỹ ở châu Âu, đã đưa ra đánh giá thẳng thắn về tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng của Ukraine.
"Nếu một bên khai hỏa, nhưng bên kia không bắn trả được, thì bên nào không bắn trả được sẽ thua", tướng Cavoli cho biết.
Ông nói rằng, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine phần lớn đạn pháo và Nga sẽ sớm đạt tới cấp độ bắn số đạn pháo gấp 10 lần Ukraine.
"Nếu chúng ta không tiếp tục hỗ trợ Ukraine, Ukraine có thể thua", tướng Mỹ cảnh báo.
Tầm bắn xa hơn và sức công phá mạnh hơn của các hệ thống pháo lớn khiến chúng trở thành những vũ khí thiết yếu đối với Ukraine. Mặc dù máy bay không người lái đã làm thay đổi đáng kể cục diện chiến sự, nhưng chúng vẫn có hạn chế.
"Máy bay không người lái có thể phá hủy các thiết bị quân sự, xe tăng một cách hiệu quả. Nhưng không thể phá hủy tuyến phòng thủ bằng máy bay không người lái", Viktor Nazarov, cố vấn cho cựu tướng cấp cao Ukraine Valery Zaluzhny, nhận định.
Ông Nazarov cho biết, khi đối phương có lợi thế "5:1" về đạn pháo, họ có thể tấn công. Nhưng khi lợi thế là "10:1", họ có thể thành công.
Kể từ khi thành trì Avdiivka thất thủ hồi đầu năm nay, Nga chỉ kiểm soát được những vùng lãnh thổ nhỏ với chi phí lớn mà không đạt được bước đột phá đáng kể nào về mặt tác chiến. Nhưng sau khi bổ sung kho vũ khí với sự hỗ trợ từ nước ngoài, Nga đang tận dụng thời tiết khô ráo, ấm áp để tiến hành các cuộc tấn công bằng hàng chục xe tăng và phương tiện chiến đấu trong những ngày gần đây.
Tướng Syrsky cho biết Nga đang cố gắng nắm bắt thời cơ để đạt được bước đột phá về mặt tác chiến dọc theo một số tuyến tấn công chính, gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với thành phố Chasiv Yar. Chasiv Yar nằm trên đỉnh đồi, cách Bakhmut 11km và đóng vai trò bảo vệ cho một số thành phố lớn ở vùng Donbas, bao gồm cả trụ sở của bộ chỉ huy phía đông ở Kramatorsk.
Các chỉ huy Ukraine hy vọng một số sáng kiến của các đồng minh châu Âu nhằm đảm bảo hàng trăm nghìn quả đạn pháo cho Kiev sẽ sớm được khởi động để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của họ.
Tuyển quân khó khăn
Khi chỉ huy lực lượng Ukraine ở miền Đông, Tướng Yuryi Sodol, phát biểu trước các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu nhằm cải thiện quy trình tuyển quân toàn quốc, ông đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm.
Tướng Sodol nói rằng, việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái khiến các xe bọc thép dễ dàng bị nhắm mục tiêu và bị phá hủy trong vòng 30 phút khi được triển khai đến tuyến số 0 ở mặt trận. Vì vậy, Ukraine chỉ có thể trông chờ vào bộ binh để giữ vị trí, nhưng lực lượng này không có nhiều sự hỗ trợ trước các đợt tấn công của bộ binh Nga.
Tướng Sodol cho biết, một nhóm gồm 8-10 binh sĩ thường được giao nhiệm vụ bảo vệ 100m đất, nhưng Ukraine không phải lúc nào cũng có đủ lực lượng để triển khai.
"Nếu chỉ có hai binh lính, họ có thể bảo vệ mặt trận 20m. Ngay lập tức, câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ lo 80m còn lại", ông Sodol nói thêm.
Quốc hội Ukraine gần đây đã thông qua luật nhằm bổ sung lực lượng cho quân đội, nhưng quá trình này mất nhiều tháng và vẫn còn nhiều thách thức trong việc tuyển quân. Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu trước mắt, Bộ chỉ huy Ukraine cho biết sẽ luân chuyển "hàng nghìn" binh sĩ hiện ở hậu phương tới các vị trí chiến đấu. Nhưng điều này tạo ra một vấn đề khác, đó là đảm bảo binh lính được triển khai ra mặt trận được huấn luyện bài bản.
Tướng Syrsky nói rằng chất lượng huấn luyện là một "vấn đề nghiêm trọng" và họ đang nỗ lực để các cựu binh đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình cải thiện tình hình. Tuy vậy, không có chương trình huấn luyện nào có thể bảo vệ lực lượng Ukraine trước những quả bom lượn mà Nga đang sử dụng để phá hủy các công sự của đối phương. Đó là lý do Ukraine vẫn rất cần sự giúp đỡ từ các đồng minh phương Tây để kiểm soát không phận.
Phòng không suy yếu
Theo cố vấn quân sự cấp cao Nazarov, cuộc chiến trên không ở Ukraine hiện chia thành 2 mặt trận.
"Phần đầu tiên là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của chúng tôi chống lại các cuộc tấn công tên lửa của Nga trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Phần thứ hai là cuộc chiến trên không ở tiền tuyến", ông Nazarov cho biết.
Trên cả hai mặt trận này, Ukraine đều đang gặp khó khăn.
Trong một báo cáo đặc biệt về chiến dịch trên không, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết các chỉ huy Ukraine phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về cách triển khai lực lượng phòng không. Vì các hệ thống có thể đánh chặn tên lửa của Nga nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng chính là những hệ thống có thể được sử dụng để ngăn chặn các máy bay ném bom Nga thả bom lượn ở tiền tuyến.
"Nga đang tận dụng việc (Ukraine) rút bớt các hệ thống phòng không khỏi tiền tuyến để đạt được những bước tiến, tuy chậm nhưng ổn định trên thực địa", ISW nhận định.
Hệ thống phòng không Ukraine suy yếu cũng giúp Nga đạt được nhiều bước tiến hơn trong việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng, điều mà ISW cho rằng có thể có "tác động" đến khả năng Ukraine tăng cường sản xuất vũ khí trong nước.
Ông Zelensky cho biết khoảng 500 doanh nghiệp quốc phòng đang hoạt động ở Ukraine, huy động gần 300.000 người để sản xuất đạn pháo, súng cối, xe bọc thép, vũ khí chống tăng, hệ thống tác chiến điện tử, máy bay không người lái và các loại đạn dược khác.
Tuy nhiên các nhà máy vẫn cần điện. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng kể từ cuối tháng 3 là chiến dịch khốc liệt nhất, thậm chí còn khốc liệt hơn cả chiến dịch tấn công vào mùa đông năm 2022-2023 khiến lưới điện gần như bị sập.
Ukraine đã tìm cách đối phó với mối đe dọa từ Nga bằng cách tấn công các sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga trong một loạt cuộc tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái. Tuy vậy, các quan chức ở Kiev không hề ảo tưởng khi nhận ra rằng, không có hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây, họ sẽ gặp rắc rối.
Ukraine hy vọng rằng các phi công nước này đang được huấn luyện trên máy bay chiến đấu F-16 sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè, bổ sung thêm một lớp phòng thủ mà Kiev đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng.
Gói viện trợ của Mỹ
Sau nhiều tháng bế tắc, Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã thông qua viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine. Thượng viện Mỹ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu thông qua dự luật trong vài ngày tới để trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Dự luật nêu ra các ưu tiên, bao gồm việc Washington cung cấp tên lửa đạn đạo và hỗ trợ chiến lược dài hạn cho Kiev.
Theo đó, hơn 1/3 gói viện trợ, tương đương 23,2 tỷ USD, dùng để bổ sung vũ khí, hạ tầng, kho bãi; gần 14 tỷ USD cho hoạt động đào tạo, đáp ứng các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được khoảng 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, hơn 11 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Mặc dù Tổng thống Joe Biden cam kết không triển khai quân ở Ukraine, song Mỹ vẫn đang huấn luyện quân đội Ukraine ở những nơi khác và duy trì sự hiện diện trên khắp châu Âu.
Dự luật quy định rằng, trong vòng 45 ngày kể từ ngày ban hành, các cơ quan liên bang phải đưa ra chiến lược kéo dài trong nhiều năm để tiếp tục hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải thiết lập các mục tiêu cụ thể, dễ dàng đạt được cũng như xác định và ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Dự luật này cũng bao gồm việc chuyển giao Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), hệ thống tầm xa được Ukraine sử dụng lần đầu tiên để chống lại Nga vào tháng 10/2023. Kiev từ lâu đã kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của họ trong cuộc chiến hiện tại.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ phê duyệt khoản viện trợ đã mang lại "luồng sinh khí mới" cho quân đội Ukraine.
"Ukraine đã bị thiệt hại nghiêm trọng và lực lượng vũ trang của họ yếu hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ít nhất bây giờ, với sự hỗ trợ lớn từ Mỹ, Ukraine sẽ có thể ổn định được phòng tuyến", Giáo sư Phillips O'Brien, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, nhận định sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ.
Franz-Stefan Gady, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng gói viện trợ của Mỹ đã mang lại cho Ukraine thêm không gian để cố gắng giải quyết một vấn đề thậm chí còn lớn hơn, đó là bổ sung thêm binh sĩ cho đội quân đang kiệt quệ của mình.
"Gói viện trợ mới cũng mang lại cho châu Âu không gian tạm thời để tăng cường sản xuất đạn pháo và máy bay. Chúng ta sẽ thấy sản lượng công nghiệp châu Âu tăng đáng kể vào cuối mùa thu hoặc mùa đông", ông Gady cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, gói viện trợ mới của Mỹ cũng khó có thể giúp Ukraine xoay chuyển tình hình chiến sự. Cục diện xung đột sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ chuyển giao viện trợ của Mỹ đến tuyến đầu ở Ukraine sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua.
"Gói viện trợ sẽ giúp Ukraine "câu giờ" cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, có thể là một năm. Nó cho phép họ phòng thủ, nhưng vấn đề chính là gói viện trợ này vẫn chưa được chuyển giao. Ukraine vẫn phải sống chật vật với số vũ khí (hiện nay)", John Foreman, cựu tùy viên quân sự của Anh tại Moscow và Kiev, cho biết.
Theo Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, khoản viện trợ này mang lại lợi thế nhất định cho quân đội Ukraine, giúp lực lượng Kiev kìm chân lực lượng Nga, đồng thời tiến hành "phòng thủ hiệu quả" và giảm thiểu tổn thất. Tuy nhiên, nếu Ukraine muốn tiến xa hơn, họ phải có thêm viện trợ. Đây là một viễn cảnh khó khăn ở Mỹ với sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa tại Quốc hội.
"Câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có thêm viện trợ (cho Ukraine) hay không? Nếu có thì số lượng là bao nhiêu trong năm 2025 và những năm sau đó, vì chiến lược của Nga là sẵn sàng kéo dài (cuộc chiến)", ông Bielieskov cho biết.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder tuần trước nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chuyển vũ khí tới Ukraine "rất nhanh chóng" sau khi gói viện trợ được thông qua. Bà Oksana Markarova, Đại sứ Ukraine tại Mỹ, cho biết công tác hậu cần của việc chuyển giao viện trợ đã được tiến hành từ lâu.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, ngay cả khi gói viện trợ của Mỹ được chuyển giao nhanh chóng, nó cũng sẽ "chỉ có thể tác động đến tình hình ở tiền tuyến sau vài tuần".
"Vì vậy, tình hình tiền tuyến có thể sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian đó, đặc biệt nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để tận dụng khoảng thời gian trước khi (Ukraine) có viện trợ mới của Mỹ", các nhà phân tích nhận định.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cảnh báo: "Các lực lượng Ukraine có thể phải chịu thêm những tổn thất trong những tuần tới, trong khi chờ đợi gói viện trợ an ninh của Mỹ để giúp Ukraine ổn định mặt trận".
Lực lượng Nga đã tăng cường hỏa lực trên khắp mặt trận và giành được những bước tiến nhất định kể từ khi tuyên bố kiểm soát thành phố Avdiivka vào tháng 2. Quân đội Nga đang tập trung vào các điểm chiến lược quan trọng như thành phố Chasiv Yar, phía tây Bakhmut ở vùng Donetsk, vì Moscow đang áp đảo quân đội Ukraine về pháo binh trên chiến trường với tỷ lệ 10:1.
Một số binh sĩ tiền tuyến Ukraine nói với Financial Times rằng họ hầu như không thể trụ vững trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga trong khi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng. Một số binh sĩ cho biết họ hy vọng gói viện trợ mới của Mỹ sẽ cải thiện tình hình, mặc dù một quan chức cấp cao của Ukraine thừa nhận điều đó "sẽ giúp làm chậm, nhưng không ngăn chặn được bước tiến của Nga".
Một nguồn tin khác của Ukraine cũng lưu ý rằng mặc dù sự hỗ trợ của Mỹ sẽ làm giảm tình trạng thiếu hụt đạn dược, nhưng đây không phải là "viên đạn bạc" cho Ukraine. Trong khi đó, một nhà phân tích quân sự Ukraine nhận xét khoản hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD có thể là khoản hỗ trợ cuối cùng trong năm nay, đồng thời nói thêm rằng "nhiều khả năng tất cả các gói viện trợ tiếp theo dành cho Ukraine sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều".
Gói viện trợ mới sẽ giúp bổ sung thêm trang thiết bị cho quân đội Ukraine, tuy nhiên các chỉ huy của lực lượng Kiev đang gặp khó khăn trong việc xác định xem họ sẽ phải giải quyết nhu cầu cấp bách nào trước.
"Chúng tôi dự đoán ưu tiên của họ là đạn pháo cũng như các hệ thống phòng không và tên lửa để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt do các cuộc không kích gần đây của Nga, đặc biệt là nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine", chuyên gia Matthew Savill tại tổ chức nghiên cứu quân sự RUSI, nói.
Jimmy Rushton, một nhà phân tích quốc phòng người Anh tại Kiev, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng Ukraine cần tên lửa dành cho hệ thống phòng không và đạn pháo.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine và các trang thiết bị của Washington đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Kiev vì chúng chuyên dụng hơn thiết bị từ các đồng minh châu Âu. Các nhà phân tích và binh sĩ Ukraine ở tuyến đầu cho rằng bom chùm của Mỹ rất hiệu quả trong việc đối phó với các cuộc tấn công ồ ạt của xe tăng và bộ binh Nga và hiệu quả hơn pháo 155mm thông thường. Ngoài ra, đạn pháo dành cho hệ thống pháo binh HIMARS cũng rất cần thiết cho các cuộc tấn công có chủ đích vào các trung tâm chỉ huy và tiếp tế của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hối thúc Mỹ nhanh chóng chuyển giao gói viện trợ mới, đồng thời cho biết các quan chức Ukraine và Mỹ sẽ liên tục liên lạc để đảm bảo việc chuyển giao được thực hiện thành công.
"Thời gian giữa quyết định chính trị và việc tấn công thực sự vào đối phương ở tiền tuyến phải càng ngắn càng tốt. Bây giờ, mỗi ngày trôi qua đều quan trọng", nhà lãnh đạo Ukraine nói trong bài phát biểu thường kỳ hôm 21/4.
Theo New York Times, Telegraph, Bloomberg, Financial Times