Mỹ chưa tin “chim sắt” F-35 có thể trấn áp S-300?
(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc Mỹ bất ngờ thực hiện thêm các bài thử nghiệm với máy bay chiến đấu F-35 trong bối cảnh Nga cung cấp tổ hợp S-300 cho Syria cho thấy Washington dường như chưa tự tin hoàn toàn về khả năng của “chim sắt” này trong kịch bản đối đầu với tên lửa phòng không do Moscow sản xuất.
Báo EurAsian Times (Ấn Độ) đưa tin, Lầu Năm Góc đã đưa ra quyết định thực hiện thêm các bài thử nghiệm bổ sung với máy bay F-35 trong bối cảnh Nga vừa chuyển giao S-300 cho Syria. Đây là động thái cho thấy Mỹ dường như muốn tiếp tục cải tiến “chim sắt” này để tự tin hơn trong kịch bản đối đầu với lá chắn từ Nga.
“Thực tế là việc Mỹ tạo nên một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình không có nghĩa là nó hoàn toàn tàng hình. Và việc Bộ Quốc phòng Mỹ đột ngột tuyên bố họ cần thực hiện các bài thử nghiệm bổ sung với máy bay F-35 cho thấy rằng Washington dường như chưa tin tưởng tuyệt đối rằng F-35 có thể trấn áp được hệ thống S-300”, bài báo viết.
Theo EurAsian Times, F-35 được phát triển với mục tiêu đánh bại hệ thống phòng thủ S-300 khi Mỹ được cho là đã thu thập dược các dữ liệu về hệ thống này. Tờ báo trên cho biết vào thời điểm Iran đàm phán mua S-300 của Nga, Israel dường như đã tìm được các thông tin quan trọng về S-300 để nghiên cứu. Ngoài ra, Mỹ cũng đươc cho là đã mua 1 phần của tổ hợp phòng không này thông qua Belarus. Vì vậy, mục tiêu "khắc chế" S-300 là một trong những lý do Mỹ phát triển F-35, theo Sputnik.
Tuy nhiên, hệ thống S-300 mà Mỹ có được “vào biên chế từ năm 1978 và sự khác biệt giữa công nghệ hiện đại so với công nghệ từ hàng chục năm trước là rất lớn”, EurAsian Times nhận định.
Bình luận về việc Nga đưa S-300 tới Syria, EurAsian Times cho rằng hệ thống này sẽ “tăng cường mạnh mẽ khả năng của hệ thống phòng không Syria, nhưng chỉ trong một khu vực vì chỉ có 4 hệ thống được chuyển qua. Không quân Israel có quy mô đủ lớn và khí tài đủ mạnh để bảo vệ họ. Tuy nhiên, rủi ro bị bắn hạ cao hơn rất nhiều trước khi S-300 xuất hiện”.
Bộ trưởng Hợp tác khu vực Israel Tzachi Hanegbi hồi đầu tháng này cho biết, năng lực của S-300 từ lâu đã được thừa nhận trong kế hoạch chiến lược của Israel. Trong khi đó, cựu Tổng giám đốc phụ trách thiết kế của nhà thầu quốc phòng Nga Almaz-Antei, Igor Ashurbeili, nói rằng người Mỹ đã sở hữu một phần của công nghệ S-300.
Cùng thời điểm đó, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng các thử nghiệm tác chiến toàn diện của máy bay F-35 sẽ bắt đầu vào tháng 11, khác với kế hoạch định sẵn vào tháng 9. Nguyên nhân được đưa ra là Lockheed Martin gặp lỗi trong việc nâng cấp hệ thống phần mềm.
Tổng cộng, Israel sẽ nhận được 50 máy bay chiến đấu F-35A từ Mỹ. Sau khi nâng cấp, máy bay này sẽ được đổi tên thành F-35I Adir. Hiện thời, 8 chiếc F-35 đang trong biên chế Israel.
Hệ thống S-300PM mà Nga cung cấp cho Syria, dựa vào S-300PS, tổ hợp vào biên chế Nga từ năm 1993.
Uy lực tổ hợp phòng không S-300 của Nga
Đức Hoàng
Theo Sputnik