1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ chia rẽ chuyện giải ngân 10 tỷ USD cho Taliban

Thanh Thành

(Dân trí) - Hiện gần 10 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang được cất ở New York và chính giới Mỹ hiện có quan điểm khác nhau liên quan tới việc quản lý số tiền này.

Mỹ chia rẽ chuyện giải ngân 10 tỷ USD cho Taliban - 1

Một khu chợ đổi tiền mặt ở Kabul, Afghanistan ngày 4/9 (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Nền chính trị Mỹ đang bùng lên những tranh cãi về cách sử dụng đòn bẩy tài chính đối với chính quyền Taliban ở Afghanistan giữa lúc có những cảnh báo quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt thảm họa kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng.

Nhiều nghị sĩ cho rằng cần gỡ bỏ việc đóng băng tài chính, ngăn chặn Taliban tiếp cận viện trợ quốc tế vì việc này có nguy cơ gây hại thêm cho người dân Afghanistan. Trong khi đó, một số nghị sĩ bảo thủ lại cảnh báo nên duy trì áp lực tài chính đối với Taliban.

"Taliban là Nhóm Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt (SDGT) kể từ năm 2002. Giờ đây, khi Taliban lên nắm quyền, các hạn chế pháp lý đi kèm đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong thời điểm quan trọng này", một nhóm các thượng nghị sĩ Dân chủ viết trong một bức thư gửi đến Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tuần trước.

Hồi tuần trước, các nghị sĩ bảo thủ đã kêu gọi chính quyền không nới lỏng bất kỳ biện pháp trong chính sách đóng băng tài chính đối với chính phủ của Taliban. "Chúng ta có thể và nên có các biện pháp thay thế hỗ trợ người dân Afghanistan, nhưng không thể cho phép việc sử dụng bất kỳ nguồn lực nào để thúc đẩy chế độ áp bức của Taliban", nghị sĩ Marco Rubio và Rob Portman thuộc đảng Cộng hòa viết trong một bức thư gửi Bộ trưởng Yellen.

Tranh cãi càng leo thang trong tuần này sau khi Taliban chỉ định một nội các toàn nam giới, mang nặng tư tưởng Hồi giáo, và với nhiều thành viên đang chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc - và một bộ trưởng bị truy nã ở Mỹ liên quan đến vụ tấn công chết người năm 2008 vào một khách sạn ở Kabul.

Cuộc "khẩu chiến" này có khả năng ảnh hưởng sâu rộng vì Mỹ đang đóng vai trò là "người gác cổng" hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu. Washington có quyền thực thi quyết liệt nhất các lệnh trừng phạt đối với Taliban và là cổ đông quyền lực nhất tại Ngân hàng Thế giới (WB) và cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai định chế tài chính hiện đều đã ngừng hỗ trợ Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền. Hiện gần 10 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang được cất ở New York, Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ đã phát tín hiệu rằng, các nhóm viện trợ sẽ có thể hoạt động ở Afghanistan khi được cấp phép miễn trừ, nhưng một số nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi một chính sách rõ ràng hơn.

Elizabeth Threlkeld, Phó giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: "Một cuộc khủng hoảng tiền mặt đang phủ bóng Afghanistan vào thời điểm mà nước này ít có khả năng chi trả nhất". Theo bà, đây là một thách thức đối với chính quyền Taliban trong tương lai, và đối với các nhà hoạch định chính sách ở Washington và các nơi khác.

Bà Threlkeld cũng cho rằng, việc cắt đứt khả năng tiếp cận hỗ trợ phát triển và dự trữ ngoại hối là "con dao hai lưỡi" khi bất kỳ đòn bẩy nào mà Washington đạt được trước Taliban cũng "đánh vào túi tiền của người dân Afghanistan vào thời điểm vốn đã đầy thách thức như hiện nay".

Nga cũng đã phản đối việc đóng băng các quỹ của Afghanistan, đồng thời cảnh báo một khi Taliban bị dồn đến đường cùng thì họ sẽ mở rộng các hoạt động buôn bán ma túy.