1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo việc Triều Tiên sát cánh cùng Nga chiến đấu với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo việc Triều Tiên tham gia chiến đấu cùng Nga để chống lại Ukraine gây ra "mối quan ngại lớn".

Mỹ cảnh báo việc Triều Tiên sát cánh cùng Nga chiến đấu với Ukraine - 1

Binh lính Nga tham gia chiến dịch quân sự (Ảnh: Sputnik).

"Sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc chiến chắc chắn sẽ gây ra mối quan ngại lớn và rắc rối cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 14/11.

Ông Patel cũng nhấn mạnh sự hợp tác của Mỹ với các đối tác trong khu vực gồm Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu trước các phóng viên cùng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm 13/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các bên đã thảo luận về việc lực lượng Triều Tiên đã "được đưa vào cuộc chiến và bây giờ đang chiến đấu theo đúng nghĩa đen".

Nhà ngoại giao Mỹ cảnh báo hành động này của Triều Tiên đòi hỏi phải có động thái "đáp trả cứng rắn".

Ông Blinken gọi đây là "một diễn biến nghiêm trọng và cực kỳ nguy hiểm", nhưng không nêu rõ cách Mỹ sẽ phản ứng.

Đầu tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cảnh báo lính Triều Tiên sẽ trở thành mục tiêu quân sự nếu tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc ngày 13/11 báo cáo rằng quân đội Triều Tiên đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở Nga, sau khi huấn luyện và dần triển khai ra chiến trường trong 2 tuần qua. Thực tế này cũng đã được tình báo Mỹ xác nhận.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 12/11 rằng, hơn 10.000 binh sĩ quân đội Triều Tiên đang đồn trú ở miền Đông Nga và hầu hết đã chuyển đến khu vực Kursk, nơi họ đang tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng với các lực lượng vũ trang Nga để chống lại lực lượng Ukraine.

Ông Patel lưu ý rằng các lực lượng Nga đã huấn luyện quân đội Triều Tiên về pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và các hoạt động bộ binh cơ bản, bao gồm cả các hoạt động đột kích chiến hào. Đây là những kỹ năng quan trọng đối với các hoạt động tiền tuyến.

Các nguồn tin quân sự phương Tây đánh giá, Nga đang dồn quân để đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Theo đó, Nga đã triển khai khoảng 50.000 quân, bao gồm cả lính Triều Tiên, để chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk trong những ngày tới. Việc giành lại các vùng lãnh thổ bị Ukraine kiểm soát ở Kursk cùng với đà tiến công nhanh chóng ở miền Đông Ukraine sẽ giúp Nga nâng cao vị thế trước bất cứ cuộc đàm phán tiềm năng nào.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên "ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có" nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.

Theo Yonhap