1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo rủi ro khi công ty Trung Quốc đấu thầu cáp ngầm Thái Bình Dương

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đã cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương về các mối đe dọa an ninh khi công ty Trung Quốc giảm giá thầu xây dựng hệ thống cáp quang dưới biển ở khu vực.

Mỹ cảnh báo rủi ro khi công ty Trung Quốc đấu thầu cáp ngầm Thái Bình Dương - 1

Máy bay của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pohnpei của quốc đảo Micronesia hôm 5/8/2019. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 17/12 cho biết, Huawei Marine, công ty mới thoái vốn khỏi Huawei Technologies và hiện thuộc sở hữu bởi một doanh nghiệp Trung Quốc khác, đã nộp hồ sơ dự thầu dự án xây dựng hệ thống cáp ngầm dưới biển ở Thái Bình Dương. Dự án trị giá gần 73 triệu USD do Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ vốn này nhằm cải thiện liên lạc với các quốc đảo trong khu vực như Nauru, Liên bang Micronesia và Kiribati.

Ngoài Huawei Marine còn có công ty Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở tại Pháp, cũng tham gia đấu thầu. Tuy nhiên Huawei Marine có ưu thế khi đưa ra giá thầu thấp hơn 20% so với đối thủ.

Mỹ đã gửi một công hàm ngoại giao cho Liên bang Micronesia hồi tháng 7 để bày tỏ lo ngại chiến lược về dự án với lập luận Huawei Marine và các doanh nghiệp khác của Trung Quốc buộc phải hợp tác với các cơ quan an ninh, tình báo của Trung Quốc. Trước đó, Washington cũng cảnh báo Micronesia và các cơ quan của chính phủ Nauru về việc Huawei Marine tham gia vào dự án.

Về phía Micronesia, chính phủ nước này cho biết, họ đã thảo luận với tất cả các đối tác tham gia dự án, một số đối tác đã đưa ra cam kết rằng hệ thống cáp ngầm này không ảnh hưởng đến an ninh khu vực vì các lỗ hổng an ninh mạng.

Một phát ngôn viên của chính phủ Nauru cho biết, họ đang xem xét kỹ lưỡng các nhà thầu. Trong khi đó, quốc đảo Kiribati dường như khá ủng hộ Huawei Marine tham gia dự án sau khi quốc đảo này cắt đứt quan hệ với Đài Loan hồi năm ngoái.

Cáp ngầm dưới biển hiện có thể coi là một lĩnh vực ngoại giao nhạy cảm ở Thái Bình Dương, khu vực đóng vai trò quan trọng trong các liên lạc quốc tế.

Năm ngoái, công ty chuyên kinh doanh cáp ngầm Huawei Marine Systems thuộc Tập đoàn Huawei đã bán 51% cổ phần cho công ty viễn thông khác của Trung Quốc là Hengtong Optic-Electric.

Đây là vụ bán tài sản lớn đầu tiên của Huawei kể từ khi Mỹ đưa ra các cáo buộc cho rằng Huawei là phương tiện gián điệp cho chính phủ Trung Quốc và làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ - một cáo buộc mà Huawei nhiều lần bác bỏ. Vụ bán tài sản của Huawei cũng có thể sẽ giúp họ tham gia và giành được các hợp đồng quốc tế, tránh né các lệnh cấm/trừng phạt nếu bị phía Mỹ đưa ra.