1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Công bố dự thảo an ninh mạng, Trung Quốc tung đòn “ăn miếng trả miếng” Mỹ

(Dân trí) - Dự thảo an ninh mạng mới của Trung Quốc, trong đó đề cập tới nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, được cho là nhằm đáp trả các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Huawei gần đây.

Công bố dự thảo an ninh mạng, Trung Quốc tung đòn “ăn miếng trả miếng” Mỹ - 1

Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G. (Ảnh: AP)

Cơ quan Không gian Mạng Trung Quốc ngày 24/5 đã ban hành dự thảo “Các biện pháp đánh giá An ninh mạng”, trong đó nhấn mạnh công nghệ “bảo mật và có thể kiểm soát được” trong hạ tầng thông tin trọng yếu của Trung Quốc.

Theo dự thảo này, các đơn vị vận hành hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, bao gồm các công ty viễn thông lớn và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, được yêu cầu phải đánh giá rủi ro liên quan tới an ninh quốc gia trước khi mua các dịch vụ và sản phẩm của nước ngoài.

Dự thảo của Trung Quốc không nêu cụ thể các trường hợp bị coi là đe dọa tới an ninh quốc gia, thay vào đó đề cập tới khái niệm rộng hơn về việc “rò rỉ, mất mát và chuyển các dữ liệu quan trọng xuyên biên giới”.

Cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc đã công bố dự thảo trên mạng để chờ lấy phản hồi của công chúng cho tới ngày 24/6. Đây là một phần trong các biện pháp đảm bảo an ninh liên quan tới việc thực thi luật an ninh mạng của Trung Quốc, vốn có hiệu lực từ tháng 6/2017.

Giới phân tích nhận định dự thảo của Cơ quan Không gian mạng Trung Quốc là công cụ để đáp trả các động thái gần đây của Mỹ nhằm ngăn các công ty công nghệ Mỹ tiếp cận Trung Quốc trên cơ sở an ninh quốc gia.

“Trung Quốc có thể sử dụng dự thảo này để ngăn chặn việc mua công nghệ Mỹ trên cơ sở an ninh quốc gia. Đây dường như là biện pháp đáp trả quyền lực rộng rãi của chính phủ Mỹ trong sắc lệnh hành pháp mới”, Samm Sacks, nhà nghiên cứu kinh tế số Trung Quốc và chính sách an ninh mạng tại trung tâm nghiên cứu New America ở Mỹ, nhận định.

Sắc lệnh hành pháp được nhà nghiên cứu Sacks đề cập tới là sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ban hành, trong đó cấm các “đối thủ nước ngoài” mua các công nghệ cao của Mỹ mà Washington cho là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Nhà phân tích Nick Marro tại Economist Intelligence Unit cho rằng nếu dự thảo được thông qua thành luật, điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh chặn các công nghệ không mong muốn của Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc.

“Sự mập mờ trong quy định cho thấy các quan chức (Trung Quốc) khá linh hoạt trong cách mà họ muốn thực thi dự thảo. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp “mang tính định tính” với các công ty Mỹ như một phần trong phản ứng đáp trả cuộc chiến thương mại”, nhà phân tích Marro nhận định.

Theo ông Marro, người nghiên cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc, dự thảo mới đã cho thấy gánh nặng đặt lên các công ty nước ngoài sẽ rất lớn. Giới chuyên gia nhận định với động thái trả đũa của Trung Quốc lên các công ty Mỹ thông qua dự thảo mới, thế giới đang đi theo con đường của hai hệ sinh thái công nghệ riêng biệt, trong đó Trung Quốc “tống khứ” các công ty Mỹ và Mỹ cũng “tống khứ” các công ty Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei và 70 chi nhánh của công ty này vào danh sách đen, không cho phép các đơn vị này mua các thiết bị từ đối tác ở Mỹ nếu chưa được sự cho phép của chính quyền Mỹ. Sau đó, các hãng công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng dừng quan hệ với Huawei.

Trước khi Trung Quốc công bố dự thảo đề cập tới các nguy cơ rủi ro an ninh quốc gia nếu mua các sản phẩm công nghệ từ nước ngoài, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc các thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp và đe dọa tới an ninh của Mỹ. Các nghị sĩ Mỹ từ lâu đã nghi ngờ Huawei có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc, song cả Huawei và Bắc Kinh đều lên tiếng phủ nhận.

Thành Đạt

Theo SCMP