1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cảnh báo mã độc nghi được Trung Quốc sử dụng

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ cảnh báo một loại mã độc được các nhà nghiên cứu an ninh phát hiện thường xuyên trong thập niên qua được cho là có liên quan tới chính phủ Trung Quốc.

Mỹ cảnh báo mã độc nghi được Trung Quốc sử dụng - 1

Mỹ cảnh báo mã độc nghi được Trung Quốc sử dụng (Ảnh minh họa: NBC)

Bloomberg dẫn cảnh báo được chính phủ Mỹ đưa ra ngày 3/8 cho biết, Cơ quan An ninh mạng và An ninh Hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Quốc phòng Mỹ đã “nhận dạng một biến thể mã độc được các đối tượng hoạt động mạng của chính phủ Trung Quốc sử dụng, được biết đến với tên gọi Taidoor”.

Mục đích của cảnh báo này nhằm cho phép bảo vệ và giảm tiếp xúc với các hoạt động mạng “độc hại” của Trung Quốc. Tuy nhiên, cảnh báo không cung cấp thông tin về mức độ phổ biến của mã độc (phần mềm độc hại) cũng như đối tượng bị mã độc nhắm mục tiêu tấn công.

Theo một quan chức giấu tên của Bộ tư lệnh Không gian mạng Mỹ, mặc dù loại mã độc trên được sử dụng từ năm 2008, chính phủ Trung Quốc được cho là vẫn tiếp tục sử dụng chúng trong các hoạt động gián điệp để tiếp cận thông tin tình báo.

Các hãng an ninh mạng FireEye và CrowdStrike đã phát hiện mã độc Taidoor được nhiều nhóm tại Trung Quốc sử dụng, nhắm vào các mục tiêu tại Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, mức độ sử dụng mã độc này đã giảm bớt gần đây.

Theo các hãng an ninh, mã độc này trước đây từng được dùng để tấn công nhiều lĩnh vực gồm luật, năng lượng hạt nhân, hàng không, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, công nghệ, chính phủ và không gian mạng.

Việc chính phủ Mỹ công khai tuyên bố mã độc Taidoor có liên quan tới chính phủ Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang có những động thái mạnh tay với TikTok - một ứng dụng di động phổ biến của Trung Quốc.

Tổng thống Trump cho TiTok thời hạn đến ngày 15/9 phải nhượng lại hoạt động ở Mỹ hoặc phải đóng cửa và chính phủ Mỹ phải được hưởng một phần lợi nhuận từ thương vụ. Mặc dù TikTok thu hút hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, trong đó chủ yếu là giới trẻ, song giới chức Mỹ vẫn cảnh báo rủi ro về an ninh quốc gia liên quan tới ứng dụng này.

Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 7 cáo buộc 2 tin tặc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại trị giá hàng trăm triệu USD từ các công ty khắp thế giới, bao gồm cả các cuộc tấn công nhằm vào các công ty phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 gần đây.

Một quan chức an ninh Mỹ tuần trước tiết lộ với Reuters rằng các tin tặc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc bị nghi công ty công nghệ sinh học Moderna, đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 hàng đầu tại Mỹ, hồi đầu năm nay nhằm đánh cắp các dữ liệu giá trị.

Trung Quốc phản bác cáo buộc của Mỹ

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố Bắc Kinh phản đối bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm vào các công ty phần mềm của Trung Quốc. Theo ông Wang, Mỹ nói các công ty Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia nhưng không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối chính sách phân biệt đối xử của Mỹ nhằm vào các công ty phần mềm của Trung Quốc cũng như xu hướng của nước này trong việc khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, đưa ra các suy đoán sai lầm mà không có bằng chứng và chính trị hóa các vấn đề kinh tế”, ông Wang tuyên bố.

Ông Wang cũng cho biết việc Mỹ đe dọa có hành động đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đã phơi bày “đạo đức giả và tiêu chuẩn kép” của Mỹ, đồng thời vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.