1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ cảnh báo binh lính Triều Tiên ở Nga trở thành mục tiêu quân sự

Thành Đạt

(Dân trí) - Lầu Năm Góc cảnh báo binh lính Triều Tiên chiến đấu cùng Nga sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp trong các cuộc giao tranh với Ukraine.

Mỹ cảnh báo binh lính Triều Tiên ở Nga trở thành mục tiêu quân sự - 1

Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh (Ảnh: Getty).

"Nơi họ đóng quân, họ hoàn toàn là mục tiêu bị nhắm tới và chúng tôi dự đoán rằng họ sẽ tham gia chiến đấu", Phó Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh tuyên bố hôm 21/11, đề cập đến nghi vấn Triều Tiên đưa quân tới Nga để tham gia cuộc xung đột với Ukraine.

"Bằng cách đưa một quốc gia nước ngoài khác vào chiến trường, bằng cách đưa hơn 11.000 binh lính Triều Tiên vào cuộc chiến, đó là một hành động leo thang", bà Singh cảnh báo.

"Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng việc đưa binh lính Triều Tiên vào cuộc chiến, nhất là khi liên quan đến chủ quyền của Ukraine, đồng nghĩa với việc họ trở thành một mục tiêu trong cuộc chiến đó. Vì vậy, họ sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp", người phát ngôn Lầu Năm Góc nói thêm.

Bà Singh từ chối bình luận về thông tin trên các kênh truyền thông rằng một tướng Triều Tiên đã bị thương trong một cuộc tấn công gần đây vào tỉnh Kursk của Nga.

Đầu tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cũng cảnh báo lính Triều Tiên sẽ trở thành mục tiêu quân sự nếu tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik ngày 22/11 cho biết Nga đã cung cấp cho Triều Tiên thiết bị quân sự để đổi lấy việc triển khai quân đội Triều Tiên nhằm hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.

"Nga được cho là đã cung cấp thiết bị và tên lửa phòng không để tăng cường hệ thống phòng không dễ bị tấn công của Bình Nhưỡng. Sau vụ phóng vệ tinh do thám quân sự thất bại của Triều Tiên vào ngày 27/5, Nga đã công bố ý định hỗ trợ các công nghệ liên quan đến vệ tinh cho Triều Tiên và được cho là đã cung cấp nhiều công nghệ quân sự khác nhau", ông Shin nói.

"Chúng tôi tin rằng cũng có viện trợ kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau", quan chức Hàn Quốc nói thêm.

Đài BBC ngày 22/11 đưa tin, Nga được cho là đã cung cấp cho Triều Tiên hơn một triệu thùng dầu kể từ tháng 3 năm nay. Con số này được đưa ra dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nguồn mở, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc đầu tuần này tuyên bố, quân đội Triều Tiên được triển khai tới Nga đã được phân công vào lữ đoàn không quân và thủy quân lục chiến của Moscow, trong đó một số binh lính đã tham gia chiến đấu.

Về khả năng xung đột Nga - Ukraine mở rộng thành một cuộc chiến quy mô lớn hơn, ông Shin cho biết điều này khó xảy ra.

"Đặc biệt, Nga rất khó có thể thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Shin nói.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng cho rằng, Triều Tiên đã đưa pháo tầm xa sang Nga, bao gồm pháo tự hành 170mm và pháo phóng loạt 240mm. Đánh giá này làm dấy lên suy đoán rằng Triều Tiên có thể gửi thêm một đơn vị pháo binh đến Nga.

Nga và Triều Tiên chưa lên tiếng về những thông tin trên.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên "ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có" nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.

Theo Newsweek, Yonhap