1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ cân nhắc gói viện trợ đồng thời cho Israel và Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đề nghị quốc hội nước này thông qua viện trợ bổ sung cho Ukraine trong gói viện trợ khẩn cấp cho Israel, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.

Mỹ cân nhắc gói viện trợ đồng thời cho Israel và Ukraine - 1

Trụ sở Lầu Năm Góc hay Bộ Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Reuters).

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rõ rằng viện trợ quân sự đang trên đường đến Israel sau vụ tấn công của Hamas cuối tuần qua, song Nhà Trắng phát tín hiệu sẽ sớm đề nghị quốc hội thông qua viện trợ bổ sung cho đồng minh này.

Nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như các quan chức cấp cao trong chính quyền đều cho biết gói viện trợ mới có thể bao gồm các điều khoản hỗ trợ cho Ukraine, NBC và Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên cho hay.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby từ chối bình luận về thông tin trên, song nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng viện trợ cho Israel và Ukraine đều quan trọng".

Mặc dù các cuộc đàm phán có thể kéo dài, nhưng Lầu Năm Góc cho biết Mỹ vẫn có đủ vũ khí hỗ trợ cho tất cả đồng minh, đối tác.

"Chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cả Ukraine, Israel và duy trì sự sẵn sàng trên toàn cầu. Mặc dù chúng tôi đang và sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, nhưng chúng tôi vẫn có thể đảm bảo đối phó với các cuộc khủng hoảng, tình huống khẩn cấp khác, hỗ trợ các đối tác, duy trì sự sẵn sàng của quân đội", một quan chức Lầu Năm Góc hôm 9/10 khẳng định.

Israel là một trong những nước nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất. Riêng năm 2022, Mỹ viện trợ hơn 3 tỷ USD cho đồng minh này. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022, Ukraine cũng trở thành quốc gia nhận viện trợ lớn từ Washington.

Ngay sau khi lực lượng Hamas ở Dải Gaza tấn công vào Israel cuối tuần trước, Washington tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ quân sự khẩn cấp cho Israel trong vòng vài ngày tới.

Các máy bay vận tải của Mỹ bắt đầu đáp xuống Israel. Trong khi đó, biên đội tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ cũng được điều động đến gần Israel hơn. Động thái này được cho là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel và cũng phát đi thông điệp răn đe đối với Iran cũng như lực lượng Hezbollah ở Li Băng.

Mặt khác, giới chức Mỹ khẳng định sẽ không đưa quân đến Israel. "Chúng tôi không có ý định điều quân đến", ông Kirby nói, song nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia ở bất cứ đâu.

Trả lời câu hỏi liệu Iran có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas hay không, ông cho hay hiện tại Mỹ chưa thấy bất cứ bằng chứng nào Tehran can dự trực tiếp hay hỗ trợ Hamas lập kế hoạch tấn công Israel.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Q. Brown cảnh báo Iran không nên can dự vào cuộc khủng hoảng ở Israel. "Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ. Chúng tôi không muốn tình hình lan rộng và Iran nên nhận thông điệp đó một cách rõ ràng", ông nói.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas