1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ loay hoay theo dấu vũ khí viện trợ cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ đã hỗ trợ cho Ukraine lượng vũ khí khổng lồ kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ, nhưng hiện loay hoay trong việc truy dấu để tìm cách ngăn nguy cơ bị tuồn ra thị trường chợ đen.

tenlua.jpg

Tên lửa Javelin trong một cuộc tập trận của quân đội Ukraine (Ảnh: Defense),

Các nhà giám sát của Mỹ cho biết chỉ mới kiểm tra được 10% trong số 22.000 vũ khí có nguy cơ cao đã được gửi đến Ukraine, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai các biện pháp mới để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí.

Vì vậy, Mỹ đang nỗ lực chạy đua để triển khai các phương pháp mới để theo dõi vũ khí được coi là có nguy cơ cao bị tuồn ra chợ đen, bao gồm tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin, giữa thời điểm mà họ mô tả là "xung đột siêu nóng" ở Ukraine. Họ hy vọng có thể làm chủ việc quản lý số vũ khí này ở mức độ "hợp lý" theo các quy tắc giám sát của Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận họ khó có thể kiểm tra 100% số vũ khí trong kho đang được Ukraine sử dụng để đảm bảo chúng không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích, trong bối cảnh cuộc xung đột leo thang đang gây áp lực lớn lên các quy trình lâu nay vẫn được Washington áp dụng.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, khiến Đại sứ quán Mỹ ở Kiev phải đóng cửa trong vài tháng, các quan chức Mỹ chỉ có thể tiến hành 2 cuộc kiểm tra trực tiếp các loại vũ khí cần được tăng cường giám sát tại các kho tiếp nhận vũ khí Mỹ đưa vào Ukraine từ Ba Lan.

"Xung đột tạo ra điều kiện không hoàn hảo, khiến chúng tôi phải nhanh chóng điều chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dành một số nguồn lực đó để làm việc với các đồng minh và đối tác để giảm thiểu rủi ro, ở bất cứ đâu chúng tôi có thể", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói. 

Nỗ lực điều chỉnh các quy tắc giám sát, vốn được thiết kế cho thời bình càng trở nên quan trọng hơn do số vũ khí Mỹ hỗ trợ Ukraine tăng chóng mặt và quốc hội Mỹ cũng đang ngày càng giám sát kỹ hơn vấn đề này.

Các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào sử dụng hoặc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp ở Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại việc Nga thu được vũ khí Ukraine có thể dẫn đến việc số vũ khí này bị tuồn lậu sang các nước khác.

Một số loại vũ khí khác đã bị thất lạc như súng phóng lựu của Thụy Điển, dường như bắt nguồn từ chiến trường Ukraine, đã phát nổ trong thùng xe ôtô ở Nga vào tháng 5.

Chuyên gia Rachel Stohl, phó Chủ tịch phụ trách các chương trình nghiên cứu tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cho biết, các quan chức cũng phải đề ra các kế hoạch dài hạn hơn để đảm bảo an ninh cho lượng vũ khí dư thừa của Mỹ sau khi xung đột với Nga kết thúc.

Chuyên gia Stohl lưu ý, lịch sử từng chứng kiến việc Ukraine bùng nổ nạn buôn lậu vũ khí sau Chiến tranh Lạnh. Bà cho biết, yêu cầu giám sát kỹ lưỡng có thể trái ngược với mong muốn của Mỹ là đẩy mạnh hỗ trợ vũ khí trong thời điểm quan trọng hiện nay. "Tuy nhiên phải đảm bảo không để tốc độ và tính cấp bách đó vượt lên trên lợi ích lâu dài của chúng ta", bà nói.

Không có quy trình rõ ràng

Những thách thức ở Ukraine lặp lại những lo ngại lớn hơn về cách vũ khí sản xuất tại Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí số 1 toàn cầu, được sử dụng trên toàn thế giới.

Đã có nhiều phàn nàn về việc dù đã có những quy trình ngăn ngừa sử dụng vũ khí sai mục đích, một số đối tác nước ngoài của Mỹ đôi khi vẫn sử dụng sai. Các thiết bị vũ khí hiện đại cũng từng bị rơi vào tay đối thủ như việc nhóm IS trưng bày chiến lợi phẩm là xe tăng Abrams hay việc trực thăng Black Hawk rơi vào tay Taliban.

Mỹ loay hoay theo dấu vũ khí viện trợ cho Ukraine - 2

Lô vũ khí Mỹ hỗ trợ cho Ukraine (Ảnh: AFP).

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng nhấn mạnh nỗ lực giám sát mới để giải bài toán vũ khí của Mỹ nguy cơ bị tuồn ra ngoài, đặc biệt trong bối cảnh các nghị sĩ Cộng hòa ngày càng lo ngại về khối lượng hỗ trợ tổng thể cho Ukraine cũng như đường đi của số vũ khí này. Việc thông qua các gói viện trợ lớn có thể sẽ trở nên khó khăn hơn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần tới.

Tuần trước, chính quyền đã công bố kế hoạch ngăn chặn vũ khí bị tuồn ra ngoài ở Đông Âu. Với gần 18 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine (chỉ tính riêng từ tháng 2), đây là khoản viện trợ lớn nhất cho một nước khác kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết, Kiev là một đối tác "có ý chí và năng lực" trong việc chịu trách nhiệm về vũ khí. "Dù thực tế là tình hình trên chiến trường rất khó đoán, Mỹ và Ukraine đã hợp tác để ngăn chặn vũ khí bị tuồn bất hợp pháp ra ngoài", bà Watson nói.

Các quan chức Mỹ cho biết, Ukraine đang nỗ lực chứng minh việc tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình vũ khí từ Washington và các quốc gia khác, một phần là vì các quan chức địa phương biết rằng chỉ cần một vụ việc như vậy xảy ra, sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây vốn rất quan trọng đối với Kiev, có thể suy giảm.

Hầu hết số lượng vũ khí Mỹ cấp cho Ukraine đến nay chỉ cần tuân theo các yêu cầu theo dõi tối thiểu theo hệ thống giám sát vũ khí của Washington, được gọi là "giám sát người sử dụng cuối cùng".

Đối với đạn dược cỡ nhỏ hoặc đồ bảo hộ cá nhân, được đánh giá là ít gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân hơn, một sĩ quan quân đội Mỹ ở miền đông Ba Lan được giao nhiệm vụ duy nhất là giám sát việc chuyển giao các thiết bị đó từ các quan chức Mỹ sang quan chức Ukraine. Trong đó các quan chức của cả hai quốc gia kiểm kê các mặt hàng giao nhận.

Trong bất kỳ vụ chuyển giao thiết bị quân sự nào khác của Mỹ, Ukraine phải cam kết không chuyển giao cho các quốc gia khác khi chưa có sự cho phép của Washington. Nhưng cũng có rất ít hoạt động giám sát thường xuyên sau đó, các quan chức cho biết.

Thiết bị nhạy cảm hay phức tạp hơn như máy bay không người lái (UAV) Switchblade và thiết bị nhìn ban đêm cần được giám sát kỹ hơn như việc tiến hành loạt kiểm tra bổ sung bao gồm kiểm tra hàng năm.

Trong điều kiện bình thường, một sĩ quan Mỹ sẽ kiểm tra số vũ khí này mỗi năm để đảm bảo rằng chúng được cất giữ an toàn và có số sê ri trùng khớp tương ứng. Các hệ thống vũ khí lớn hơn, chẳng hạn hệ thống rocket phóng loạt HIMARS và lựu pháo M777, không yêu cầu giám sát nâng cao.

Phía Mỹ thừa nhận họ không có quy trình rõ ràng để theo dõi vũ khí trong một cuộc xung đột thông thường như cuộc chiến ở Ukraine. Các nhân viên Mỹ không thể mạo hiểm vào những khu vực Nga kiểm soát hoặc đang xảy ra xung đột chỉ để kiểm tra vũ khí.

Cần một hệ thống theo dõi công nghệ cao

Để giải quyết những hạn chế đó, các quan chức Mỹ đang xây dựng dựa trên hệ thống công nghệ cao được áp dụng đầu tiên trong đại dịch Covid-19: sử dụng máy quét để Ukraine kiểm kê số sê ri mà không cần sự có mặt của quân nhân Mỹ.

Theo đó, thông tin về vũ khí trong kho sẽ được thống kê bằng cách quét các hộp đựng vũ khí đã sử dụng và phía quân đội Ukraine sau đó sẽ tải xuống và cung cấp cho các quan chức Mỹ. Washington đã bắt đầu đào tạo cho các quân nhân Ukraine ở Ba Lan về công nghệ mới sử dụng máy quét này.

Ukraine cũng đã cung cấp "một số ít" báo cáo tổn thất khi thiết bị, chủ yếu là thiết bị nhìn đêm, bị hư hỏng. 

Mỹ đang chạy đua triển khai biện pháp này trước khi cuộc xung đột này bước sang năm thứ 2 bởi vì khi đó việc theo dấu sẽ càng khó khăn hơn. Thách thức còn phức tạp hơn nữa khi quy mô của nhóm hợp tác an ninh ngày càng tăng nhưng vẫn còn nhỏ.

Trong khi báo cáo về số vũ khí tổn thất và được sử dụng vẫn nằm ở dạng bản giấy cứng và quan chức Mỹ hy vọng số liệu sẽ sớm được tự động hóa. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng có được bức tranh thực tế về cách vũ khí Mỹ đang được sử dụng để chống lại Nga.

Mỹ loay hoay theo dấu vũ khí viện trợ cho Ukraine - 3

Một hệ thống rocket phóng loạt HIMARS của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo báo cáo năm 2020 từ tổng thanh tra Lầu Năm Góc, các quan chức quốc phòng đã tuân thủ yêu cầu giám sát đối với bệ phóng và tên lửa Javelin được cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, họ chưa thực hiện đầy đủ điều này đối với các thiết bị nhìn đêm.

Quân đội Ukraine không báo cáo nhất quán về việc bị mất hoặc bị trộm các thiết bị đó và Mỹ cũng phát hiện số sê ri đôi khi bị sai lệch hoặc không thể đọc được khiến việc kiểm kê gặp nhiều khó khăn.

Tại Kiev, các quan chức nói rằng, thực tế của cuộc xung đột hiện nay khiến cho việc tuồn vũ khí ra ngoài là điều không tưởng.

Ông Oleksandr Zavytnevych, người đứng đầu ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia của Quốc hội Ukraine nói rằng, các thành viên của ủy ban mới được thành lập vào năm nay, đã đến các kho vũ khí và xem xét các tin đồn về việc vũ khí bị trộm hoặc tuồn ra chợ đen nhưng không tìm thấy "dấu hiệu thực sự" nào.

Các quan chức Mỹ nói rằng, quân đội Ukraine đang cố gắng cập nhật hệ thống của riêng mình để theo dõi vũ khí được hỗ trợ, giống như quân đội đang làm để bảo trì và hậu cần.

Mỹ cũng bắt đầu thông báo cho các quốc gia khác đang cung cấp vũ khí cho Ukraine về quá trình giám sát vũ khí của Washington ở Ukraine. Washington  thừa nhận chưa hài lòng với kết quả tổng thể của phương pháp tiếp cận mới nhưng cho rằng, không nên xem đây là lý do để hạn chế hỗ trợ cho Ukraine.

Theo Washington Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine