Mỹ cấm bay toàn cầu phi đội "chim ưng biển" sau tai nạn chết người
(Dân trí) - Quân đội Mỹ quyết định cấm bay toàn bộ phi đội máy bay Osprey V-22, một tuần sau khi phi cơ này bị rơi ở Nhật Bản làm 8 binh sĩ thiệt mạng.
AP đưa tin, quân đội Mỹ ngày 6/12 thông báo cấm bay tất cả các máy bay Osprey V-22, một tuần sau khi 8 thành viên của Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt thuộc lực lượng Không quân Mỹ thiệt mạng trong một vụ tai nạn ngoài khơi Nhật Bản.
Lực lượng Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến đã dừng bay hàng trăm phi cơ sau khi cuộc điều tra sơ bộ về vụ tai nạn tuần trước chỉ ra rằng máy bay dường như gặp lỗi về trang thiết bị.
Điều này có nghĩa là máy bay rơi do gặp trục trặc kỹ thuật chứ không phải do sai sót của phi hành đoàn đã dẫn đến tai nạn chết người.
Vụ tai nạn đã đặt ra những câu hỏi mới về sự an toàn của Osprey, khi nó liên quan đến các vụ tai nạn chết người trong thời gian hoạt động tương đối ngắn. Trước đó, Nhật Bản đã cấm bay toàn bộ 14 chiếc Osprey có trong kho vũ khí.
Trung tướng Tony Bauernfeind, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Không quân Mỹ, đã chỉ đạo cho Osprey ngừng hoạt động "để giảm thiểu rủi ro trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục".
Lực lượng Không quân chưa biết máy bay này sẽ bị đình chỉ trong bao lâu. Họ cho biết lệnh cấm dự kiến sẽ được duy trì cho đến khi cuộc điều tra xác định được nguyên nhân vụ tai nạn ở Nhật Bản và đưa ra khuyến nghị cho phép phi đội hoạt động trở lại.
"Chim ưng biển" Osprey là máy bay có thiết kế "lưỡng thể" khi có thể bay giống như trực thăng và máy bay cánh cố định. Thủy quân lục chiến Mỹ, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận hành máy bay này.
Việc triển khai Osprey ở Nhật Bản đã gây tranh cãi, với những quan ngại cho rằng máy bay này dễ xảy ra tai nạn. Quân đội Mỹ và Nhật Bản trước đó từng nói rằng nó an toàn.
Trước đó, trên thế giới và Nhật Bản, đã từng xảy ra một số vụ tai nạn xảy ra với Osprey. Năm 2016, quân đội Mỹ tại Nhật Bản từng đình chỉ máy bay này một lần sau vụ nó bị rơi xuống biển.
Osprey vẫn là loại máy bay có thời gian phục vụ tương đối ngắn trong đội bay của quân đội Mỹ. Những chiếc Osprey đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2007 sau nhiều thập niên thử nghiệm.
Tuy nhiên, hơn 50 binh sĩ đã thiệt mạng khi bay thử nghiệm Osprey hoặc thực hiện các chuyến bay huấn luyện trên máy bay, trong đó có 20 người chết trong 4 vụ tai nạn trong 20 tháng qua.
Một vụ tai nạn Osprey vào tháng 8 ở Australia đã khiến 3 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Vụ tai nạn này cũng vẫn đang được điều tra.