Mỹ buộc tội 9 người bị nghi là đặc vụ "Săn cáo" của Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ vừa truy tố 9 người bị nghi ngờ có liên quan đến chiến dịch bí mật của Trung Quốc nhằm săn lùng và hồi hương những đối tượng đào tẩu.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), 9 bị cáo, trong đó có một công tố viên Trung Quốc, bị cáo buộc tham gia vào chiến dịch "Săn cáo" với các hoạt động quấy rối, đe dọa nhằm buộc hai công dân Mỹ trở lại Trung Quốc. Hai bị cáo trong số đó bị còn bị cáo buộc cản trở pháp lý.
"Trung Quốc đã cử các đặc vụ đến Mỹ để quấy rối, theo dõi và cưỡng ép công dân Mỹ trở lại Trung Quốc. Đây là hành động đi ngược lại luật pháp. Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI sẽ tiếp tục bảo vệ nạn nhân của các hành động quấy rối và đe dọa kiểu này", Alan Kohler Jr., trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, cho biết.
Bà Jacquelyn Kasulis, luật sư tại New York, cũng cho biết: "Các bị cáo hoạt động với tư cách là đặc vụ (Trung Quốc), bí mật thực hiện các hoạt động quấy rối bất hợp pháp nhằm đe dọa cư dân sống tại Mỹ, buộc họ quay trở lại Trung Quốc".
Nguồn tin của Newsweek cho hay, mục tiêu nhắm tới của các bị cáo trên là cặp vợ chồng Trung Quốc đã trở thành công dân Mỹ, song danh tính cụ thể không được tiết lộ. Người chồng bị giới chức Trung Quốc cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và tham nhũng - tội danh có thể đối mặt với án tử hình ở Trung Quốc. Trong khi đó, người vợ bị cáo buộc nhận hối lộ và có thể đối mặt với án tù chung thân.
Những người bị nghi là đặc vụ Trung Quốc được cho là đã đưa cha của cặp vợ chồng trên đến Mỹ để cảnh báo rằng gia đình, người thân của họ sẽ bị hại nếu không về nước. Ngoài ra, con gái lớn của cặp đôi cũng bị quấy rối, đe dọa.
Michael McMahon, một cựu sĩ quan cảnh sát New York, bị cáo buộc cấu kết với các nghi phạm, cung cấp thông tin tình báo để giúp nhóm người Trung Quốc quấy rối và đe dọa mục tiêu.
Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa bình luận về các thông tin trên.
Chiến dịch "Săn cáo" là nỗ lực quy mô toàn thế giới của Trung Quốc nhằm tìm kiếm và bắt giữ những nghi phạm bỏ trốn, bao gồm cả những phần tử nghi mắc tội tham nhũng. Để chiến dịch có được sự hợp tác hiệu quả, Trung Quốc dựa nhiều vào thiện chí với các cơ quan hành pháp quốc tế. Tuy nhiên, chiến dịch này gặp trở ngại do quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xu hướng căng thẳng và hai bên không có hiệp ước dẫn độ.
Theo SCMP, Mỹ được xem là điểm đến được nhiều phần tử bỏ trốn cấp cao ở Trung Quốc lựa chọn, cùng với các nước khác nằm trong liên minh tình báo "Ngũ nhãn" gồm Canada, New Zealand, Australia và Anh. Giới chuyên gia cho rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và các nước "Ngũ nhãn" có thể ảnh hưởng tới việc hợp tác về hành pháp trong hiện tại và tương lai.