1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cáo buộc 8 người liên quan "Chiến dịch Săn cáo" của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28/10 cáo buộc 8 người có liên quan tới "Chiến dịch Săn cáo" của Bắc Kinh nhằm đưa các công dân Trung Quốc về nước.

Mỹ cáo buộc 8 người liên quan Chiến dịch Săn cáo của Trung Quốc - 1

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers (Ảnh: EPA)

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers ngày 28/10 thông báo các cáo buộc tội danh đã được đưa ra đối với 8 người có liên quan tới "chiến dịch thực thi pháp luật phi pháp của Trung Quốc có tên gọi “Săn cáo” (Fox Hunt)”.

“Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch toàn cầu được biết đến với tên gọi “Săn cáo”. Trung Quốc mô tả “Săn cáo” là một chiến dịch chống tham nhũng toàn cầu nhằm định vị các đối tượng bỏ trốn trên toàn thế giới và đưa họ quay trở về Trung Quốc để xét xử. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, “người bị săn" là những đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến và những người chỉ trích Trung Quốc”, ông Demers nói trong cuộc họp báo.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, chiến dịch “Săn cáo” đã “vi phạm rõ ràng luật pháp và chuẩn mực quốc tế”.

Ông Demers cho biết “biệt đội săn cáo” của Trung Quốc đã tới Mỹ để “xác định vị trí của những đối tượng bỏ trốn, sau đó hăm dọa và sử dụng các chiến thuật khác để buộc các đối tượng này quay về Trung Quốc - nơi họ sẽ phải đối mặt với việc bị bỏ tù hoặc các vụ xét xử bất hợp pháp tồi tệ hơn”.

Ông Demers nói rằng 5 người Trung Quốc bị bắt tại New York, New Jersey và California sẽ đối mặt với cáo buộc “âm mưu hành động tại Mỹ với tư cách là đặc vụ phi pháp của Trung Quốc”. Ngoài 5 đối tượng bị bắt, 3 đối tượng vẫn đang lẩn trốn và được tin là đang ở Trung Quốc.

Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong nhiều lĩnh vực.

Bình luận về vụ việc trên, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ Christopher Wray cho biết “nỗ lực trắng trợn của Trung Quốc nhằm theo dõi, hăm dọa và quấy rối công dân cũng như các thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ, ngay trên lãnh thổ Mỹ, là một phần trong chiến dịch đánh cắp và gây ảnh hưởng xấu của Trung Quốc tại đất nước chúng ta và trên toàn thế giới”.

Ông Wray cho rằng việc nhắm mục tiêu tới các công dân Trung Quốc bị coi là mối đe dọa với Bắc Kinh không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác.

“Đây không phải những hành động mà chúng ta trông chờ từ một quốc gia có trách nhiệm”, ông Wray nói.

Cách thức “săn cáo”

Bộ Tư pháp Mỹ không tiết lộ danh tính của những người bị đặc vụ Trung Quốc nhắm mục tiêu, tuy nhiên cơ quan này đã cung cấp thông tin chi tiết về một số phương pháp được đặc vụ Trung Quốc sử dụng để bắt người.

Một trong số các mục tiêu là người đàn ông có biệt danh “John Doe-1”. Người này ở New Jersey và bị Trung Quốc cáo buộc lạm dụng quyền lực nhà nước và nhận hối lộ.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các đặc vụ Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm của bố John Doe-1 tới Mỹ để thuyết phục ông này và gia đình trở về Trung Quốc. Các đặc vụ cũng theo dõi và tiếp cận con gái của John Doe-1 trên mạng trong một chiến dịch nhằm gây sức ép lên John Doe-1.

Tháng 9/2018, một bức thư hăm dọa đã được gắn lên cửa nhà John Doe-1 với nội dung: “Nếu ông sẵn sàng quay trở lại đại lục và ngồi tù 10 năm, vợ và các con ông sẽ yên ổn. Mọi chuyện sẽ dừng lại!”.