1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ bị đồng minh phản đối khi gửi bom chùm gây tranh cãi cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các đồng minh thân cận của Mỹ lên tiếng phản đối hành động của Washington khi gửi loại bom bị hơn 120 nước cấm cho Ukraine.

Mỹ bị đồng minh phản đối khi gửi bom chùm gây tranh cãi cho Ukraine - 1

Xác của một quả bom chùm (Ảnh: Getty).

Theo BBC, quyết định cấp bom chùm của Mỹ cho Ukraine đã bị một số quốc gia đồng minh của Washington lên tiếng phản đối.

"Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng bom, đạn chùm. Ottawa cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom, đạn chùm đối với dân thường - đặc biệt là trẻ em", thông báo ngày 8/7 của chính phủ Canada viết.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh nói London không ủng hộ việc dùng bom chùm. "Vương quốc Anh đã ký vào công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng", ông giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thông qua các biện pháp khác.

Vào cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles tuyên bố Madrid không ủng hộ quyết định gửi bom chùm tới Ukraine của Mỹ.

"Tây Ban Nha, dù có cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng cũng có cam kết chắc chắn rằng một số loại vũ khí và bom nhất định sẽ không được chuyển giao trong bất kỳ trường hợp nào", bà Robles nói.

Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ không cấp đạn chùm cho Ukraine, nhưng họ hiểu Mỹ không dễ dàng khi đưa ra quyết định như vậy.

Một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông Guterres phản đối việc sử dụng bom chùm trong chiến sự.

Mỹ bị đồng minh phản đối khi gửi bom chùm gây tranh cãi cho Ukraine - 2

Cơ chế hoạt động của bom chùm khiến nó trở thành vũ khí gây tranh cãi (Đồ họa: Guardian).

Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 7/7 thông báo sẽ cấp bom chùm cho Ukraine trong khuôn khổ gói viện trợ mới nhất trị giá 800 triệu USD. Mỹ thừa nhận đây là quyết định khó khăn do bom chùm là vũ khí rất nguy hiểm, có thể gây rủi ro cho thường dân.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng tình hình ở Ukraine rất cấp bách vào lúc này khi Kiev đang gặp khó để vượt qua phòng tuyến của Nga, cũng như đang thiếu đạn pháo nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, đối với Ukraine, đạn chùm/bom chùm có thể giải quyết 2 vấn đề chính cho Kiev là cung cấp thêm đạn dược cho các hệ thống pháo và tên lửa mà Mỹ và các nước khác viện trợ, cũng như ngăn chặn ưu thế của Nga về số lượng pháo.

Tuy nhiên, bom chùm khi kích nổ sẽ phân tán các viên đạn nhỏ ra khu vực rộng lớn. Các viên đạn nhỏ có thể không phát nổ hết và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.

Bom chùm đã bị 123 quốc gia cấm vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với thường dân, bao gồm hầu hết các thành viên NATO. Tuy nhiên, cả Mỹ, Nga, Ukraine đều từ chối tham gia vào một hiệp ước năm 2008 cấm sản xuất, sử dụng và cất trữ bom, đạn chùm.

Theo BBC, RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm