1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Australia bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tuyên bố chung của Mỹ và Australia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng đây là những tuyên bố không có căn cứ về mặt pháp lý.

Mỹ - Australia bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông - 1

(Từ trái sang phải) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP).

Ngày 16/9, tại Washington, Mỹ, phái đoàn Australia gồm Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cùng Ngoại trưởng Marise Payne đã gặp phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken trong khuôn khổ Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) tại Washington.

Sau buổi họp, các quan chức hàng đầu 2 nước đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập tới hàng loạt vấn đề, từ dịch Covid-19 tới biến đổi khí hậu, Biển Đông.

"Các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại liên quan tới các tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông mà không có cơ sở pháp lý, kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các điều luật có liên quan trong nước - bao gồm cả Luật An toàn Giao thông Hàng hải - theo một cách thức nhất quán với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Các quan chức Mỹ và Australia cũng nhấn mạnh lại rằng phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý với các bên", tuyên bố chung viết.

Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa. Thay vào đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm đẩy mạnh yêu sách phi lý ở Biển Đông.

Tuyên bố chung của các bộ trưởng nhấn mạnh "sự phản đối mạnh mẽ với việc quân sự hóa các thực thể địa lý tại Biển Đông và các hành động gây mất ổn định khác, bao gồm việc điều động một cách nguy hiểm lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải, cũng như các hành vi làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác".

Sau cuộc gặp ở Washington, Mỹ và Australia đã thông báo mở rộng hợp tác quân sự, bao gồm việc triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay quân sự của Mỹ tới Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hai nước đã nhất trí thông qua "các sáng kiến nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện của Mỹ tại Australia". Trong khi đó, theo Bộ trưởng Dutton, Australia sẽ "tăng cường đáng kể" quan hệ hợp tác với Mỹ, bao gồm hợp tác về phát triển tên lửa và vật liệu nổ. 

AUSMIN diễn ra một ngày sau khi, Mỹ, Australia và Anh thống nhất thỏa thuận hợp tác quân sự AUKUS, trong đó Washington và London cam kết hỗ trợ Canberra để chế tạo đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái này, cảnh báo nó có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm