Mỹ - Australia tăng cường hợp tác quân sự bất chấp phản ứng của Trung Quốc
(Dân trí) - Australia và Mỹ công bố hợp tác quân sự mở rộng, một ngày sau khi thông báo thỏa thuận tàu ngầm bị Trung Quốc chỉ trích là tăng cường chạy đua vũ trang trong khu vực.
Phát biểu sau các cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Australia ngày 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết hai bên sẽ "tăng cường đáng kể hợp tác về lực lượng, thúc đẩy phối hợp hành động và làm sâu sắc hơn các hoạt động liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
"Kế hoạch này bao gồm hợp tác không quân lớn hơn thông qua việc triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay quân sự của Mỹ tới Australia", Bộ trưởng Dutton nói trong một cuộc họp báo chung ở Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hai nước đã nhất trí thông qua "các sáng kiến nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện của Mỹ tại Australia".
Theo Bộ trưởng Dutton, Australia sẽ "tăng cường đáng kể" quan hệ hợp tác với Mỹ, bao gồm hợp tác về phát triển tên lửa và vật liệu nổ. Thủ tướng Australia Scott Morrison trước đó nói rằng Australia sẽ mua các tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa.
Bộ trưởng Austin cho biết hai đồng minh đã thảo luận những lo ngại về Trung Quốc trong cuộc họp với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Australia Marise Payne.
"Trong khi chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng tới kết quả với Trung Quốc, chúng tôi vẫn nhận thức rõ những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá hoại trật tự quốc tế đã được thiết lập", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Trước đó, Mỹ, Anh và Australia ngày 15/9 đã công bố thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa 3 nước lấy tên là AUKUS. Theo thỏa thuận này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thỏa thuận mới được công bố trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tìm cách đối phó với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9 chỉ trích Mỹ, Anh, Australia "đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang và gây tổn hại cho các nỗ lực quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định thỏa thuận mới không nhắm mục tiêu vào Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nổi giận về thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, Anh, Australia trong bối cảnh Australia đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng cả về ngoại giao và thương mại từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng các quan hệ đối tác của Mỹ và đồng minh không nên nhắm vào nước thứ ba.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong những tháng qua, Bắc Kinh đã chứng kiến rằng "Australia sẽ không lùi bước và những lời đe dọa trả đũa cũng như sức ép về kinh tế sẽ không hiệu quả". Ông Blinken tuyên bố Mỹ sẽ không để Australia "một mình".
Trong một tín hiệu khác được cho là nhằm gửi tới Trung Quốc, Thủ tướng Australia sẽ tới Washington vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm "Bộ Tứ" với Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Trung Quốc nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các nước thiết lập các khối liên minh mà Bắc Kinh cho là mang tư tưởng "Chiến tranh Lạnh" lỗi thời.