1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ, Anh, Pháp ủng hộ Đan Mạch

Tổng thống Mỹ Bush đã khẳng định "sự ủng hộ và tình đoàn kết" của ông với Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen đối với tình trạng bạo lực do những bức biếm họa Đấng tiên tri Mohammed gây nên.

Trước đó, Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng đã gọi điện cho ông Rasmussen sau khi những vụ đốt phá sứ quán Đan Mạch cũng như sứ quán một số nước châu Âu xảy ra. Những động thái này đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Copenhagen trong bối cảnh họ cảm thấy ngày càng bị cô lập.

 

Phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan cho biết ông Bush và ông Rasmussen "nhất trí rằng tình hình bạo lực chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và kiềm chế, chứ không phải bạo lực".

 

"Rõ ràng là sự ủng hộ từ các nước lớn đã làm giảm áp lực đối với Đan Mạch và làm giảm cảm giác bị cô lập của chúng tôi, đặc biệt là khi nó đến từ Mỹ và Anh", một nhà ngoại giao Đan Mạch cho biết.

 

Nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự giận dữ đang giảm dần trong thế giới Hồi giáo.

 

Hôm nay, một đám đông đã tấn công các văn phòng của quân đội Na Uy thuộc lực lượng NATO tại Afghanistan, làm 4 người biểu tình thiệt mạng. Đây là ngày thứ hai có người bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối vụ tranh biếm họa tại nước này.

 

Khoảng 700 người biểu tình đã tập trung tại Maymana, thành phố phía bắc Afghanistan, hôm qua. Họ ném đá vào một văn phòng của Liên Hợp Quốc và khu đất dành cho một dự án tái xây dựng được quân đội Na Uy bảo vệ. Khi những người phản đối tiến vào khu đất, lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế trực thuộc NATO đã sử dụng hơi cay để trấn áp.

 

Những người biểu tình tại Iran đã tràn vào sứ quán Đan Mạch tại Tehran và ném đá vào sứ quán Na Uy. Bạo lực đã khiến nhà cầm quyền Iran phải lên tiếng kêu gọi ngừng tấn công vào các sứ quán châu Âu.

 

Trong khi đó, Liên minh châu Âu chỉ trích quyết định ngừng quan hệ thương mại với Đan Mạch của Iran và tuyên bố họ đang xem xét hành động đáp trả.

 

Hôm qua, tại Peshawar (Pakistan), gần 3.000 người đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối báo chí châu Âu đăng tranh biếm họa. Những người biểu tình đã hô vang "Treo cổ những kẻ vẽ tranh biếm họa".

 

Tại tỉnh Waziristan (Pakistan) giáp biên giới với Afghanistan, khoảng 5.000 người trong các bộ lạc và sinh viên hôm qua đã tổ chức tuần hành phản đối vụ đăng tranh biếm họa. Những người tham gia đã đốt cờ Đan Mạch.

 

Những người biểu tình tại Dhaka (Bangladesh) cũng đốt cờ Đan Mạch trong một cuộc biểu tình do Jamaat-e-Islami, đảng lớn thứ hai trong chính phủ liên minh 4 đảng tại Bangladesh, tổ chức.

 

Nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng tranh cãi xung quanh vụ biếm họa dường như đang được lạm dụng để kích động bạo loạn tại các nước Hồi giáo, trong đó có Iran.

 

"Trong mấy ngày qua tôi cảm thấy ở nhiều nước Ảrập, tranh cãi về những bức tranh biếm họa đang được sử dụng như là một cách để tranh thủ tình cảm của người dân", Steinmeier nói.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích gay gắt cái mà ông gọi là sự khiêu khích tôn giáo. Ông kêu gọi các tổng biên tập "suy nghĩ 100 lần" trước khi đăng tải những bức tranh như vậy.

 

Ngoại trưởng Áo, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, kêu gọi đối thoại với các nước Hồi giáo để chấm dứt bạo lực. Bà yêu cầu ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại EU Javier Solana gặp gỡ lãnh đạo Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), gồm 57 nước Hồi giáo thành viên để thảo luận các biện pháp chấm dứt tình trạng căng thẳng và bạo lực.

 

Tổng thư ký Tổ chức Hội nghị Hồi giáo Ekmeleddin Ihsanoglu cũng lên án các vụ tấn công sứ quán châu Âu. Ông cho rằng "những hành động quá khích là rất nguy hiểm và bất lợi cho đạo Hồi".

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm