1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn:

"Một người Việt thật trầm lặng"

Nhà báo Jean Clause Pomonti của tờ báo Le Monde vừa cho ra mắt độc giả Pháp cuốn sách tựa đề “Một người Việt thật trầm lặng" (Un Vietnamien Bien Tranquille), giới thiệu chân dung một tướng tình báo xuất sắc trong lịch sử tình báo của Việt Nam.

Tựa đề này gần giống tên một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh, Graham Green, là “Người Mỹ trầm lặng" (The Quiet American). Hai tác phẩm đều khai thác đề tài chiến tranh ở Việt Nam với những hoạt động gián điệp.

 

Tuy nhiên, nếu điệp viên trong "Người Mỹ trầm lặng" là một nhân vật hư cấu thì nhân vật trong “Một người Việt thật trầm lặng” của Pomonti là ông Phạm Xuẩn Ẩn, một nhân vật có thật và là một nhân viên tình báo của Bắc Việt được cài trong lòng chế độ miền Nam Việt Nam.

 

Theo lời kể của cuốn sách, Phạm Xuân Ẩn đã tham gia hoạt động cách mạng từ thời Pháp còn đô hộ ở Việt Nam. Kể từ khi chấp nhận làm điệp viên ở miền Nam, ông Ẩn được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản và theo học ngành Báo chí tại quận Cam, ở California hai năm.

 

Khi ông về nước đã được hãng Reuters của Anh và tờ báo nổi tiếng Time của Mỹ chọn làm thông tấn viên, ngoài ra ông còn cộng tác với tờ báo The Christian Science Monitor và New York Herald Tribune.

 

Là một người được đồng nghiệp khâm phục nhờ thông thạo tin tức và phân tích xác đáng nên ông Ẩn đã kết thân được với rất nhiều nhân vật có máu mặt ở chính quyền miền Nam trước đây cũng như với đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn hay với Ban tham mưu quân đội Mỹ ở Việt Nam, và trở thành “người nhà của CIA"…

 

Trong suốt thời kỳ đó và cho đến tận ngày 30/4/1975, ông Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho chính quyền Hà Nội rất nhiều thông tin quý giá đến mức mà theo lời kể của Pomonti thì khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được một bản thông báo do ông chuyển ra, đã phải thốt lên: "Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Mỹ".

 

Quyển sách "Một người Việt thật trầm lặng" đã kể lại chi tiết về các hoạt động thầm lặng của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách viết: "Ngay từ những năm 1961-1962, ông Ẩn đã gửi bản phân tích cho chính quyền miền Bắc với đầy đủ tài liệu chứng minh là cuộc chiến tranh đặc biệt thời TT Mỹ John Kennedy không thể thành công.

 

Năm 1964, ông Ẩn cũng dự báo là quân đội Mỹ sẽ can thiệp vào Việt Nam để cứu giúp đồng minh của họ và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Một thành công khác của ông Phạm Xuân Ẩn là vào cuối năm 1974, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi ông Ẩn là liệu Mỹ có trở lại can thiệp một khi miền Bắc tấn công để giải phóng miền Nam hay không?

 

Câu trả lời của ông Phạm Xuân Ẩn là không và căn cứ vào phân tích của ông, vào những tài liệu ông chuyển ra Bắc, Bộ Chính trị Việt Nam đã quyết định chiến dịch giải phóng miền Nam mang lại thắng lợi hoàn toàn vào 30/4/1975.

 

Trong một cuốn sách mang tựa đề: "Khoảng cách thích đáng" (Decent Interval), cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA là Frank Snepp đã nói về sự sụp đổ hỗn loạn của Sài Gòn năm 1975: “Phạm Xuân Ẩn được quyền sử dụng tin tức tình báo chiến lược, điều này ai cũng biết. Nhưng không ai hoạt động âm thầm sau lưng chúng ta mà gây ra nhiều tác hại như Phạm Xuân Ẩn".

 

Trong khi đó Mc. Culloch, Giám đốc các văn phòng của tờ Time ở châu Á đã nói: "Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh, nếu trường hợp đổi ngược lại, tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi.

 

Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá, anh có một sự hiểu biết tinh tường về tình hình chính trị ở Việt Nam và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường".

 

Tướng Phạm Xuân Ẩn sinh ngày 12/9/1927, ở Biên Hòa, Đồng Nai trong một gia đình viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa. Năm nay 80 tuổi, mặc dù không còn sung sức nhưng tinh thần ông vẫn minh mẫn. Ông Ẩn đã được Nhà nước Việt Nam phong Thiếu tướng vào năm 1990 để tỏ lòng biết ơn một nhân tài đất Việt yêu nước đã có nhiều đóng góp quý báu cho Tổ quốc.

 

Theo Ngọc Huế

Giao thông Vận tải/ Le Monde