1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Một năm "quá lạ" của ông Trump tại Nhà Trắng

Dù chỉ mới vào Nhà Trắng được một năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tác động mạnh mẽ đến tình hình trong và ngoài nước thông qua những chính sách và phong cách làm việc khác biệt so với nhiều người tiền nhiệm.

Câu hỏi đặt ra là những bước đi của ông Trump đã làm xấu đi hay cải thiện những vấn đề nóng của riêng nước Mỹ và thế giới kể từ khi nhậm chức ngày 20-1-2017.

Dưới đây là những diễn biến nổi bật trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump:

Trong nước

Những người ủng hộ có thể dẫn ra một vài số liệu để củng cố nhận định ông Trump có màn trình diễn thành công trong năm đầu tiên: chỉ số Dow Jones không ngừng phá kỷ lục, kinh tế Mỹ có thêm 1,8 triệu việc làm trong giai đoạn từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2018, GDP trên đường tăng 3-3,2% (ít hơn mục tiêu 4% của ông Trump)...

Dù vậy, ông Trump vẫn là một trong những tổng thống Mỹ có tỉ lệ ủng hộ thấp nhất từ trước đến giờ giữa lúc có những nghi ngờ về sự đáng tin và năng lực lãnh đạo của ông suốt một năm qua.

Ngoài cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ, năm đầu của ông Trump tại Nhà Trắng còn bị phủ bóng bởi tranh cãi về nhập cư, cuộc đối đầu giữa ông và giới truyền thông, và những chính sách khiến ngay cả người của đảng Cộng hòa cảm thấy bất mãn.

Chiến thắng lập pháp đáng kể nhất của ông Trump là luật cải cách thuế. Tuy nhiên, ngay cả bản thân luật này cũng bị phản đối không ít, bởi nỗi lo nó làm ngân sách thêm thâm hụt và mang lại nhiều lợi ích cho người giàu.

Nga

Khi còn tranh cử, ông Trump thường xuyên tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Nga nhưng không hề nói cụ thể về vấn đề này. Một năm sau khi nắm quyền, mọi chuyện cũng không hề rõ ràng hơn.

Moscow và Washington thường xuyên tranh cãi về nhiều vấn đề, từ Triều Tiên cho đến Ukraine, ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ không ngần ngại công khai ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Giới chức Nga từng hy vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ có bước đi bãi bỏ hoặc giảm bớt trừng phạt Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Thay vào đó, ông Trump phê chuẩn việc bán vũ khí sát thương cho Ukraine để chống lại phe ly khai. Thậm chí, ông còn ký ban hành luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga dù đây được xem là hành động miễn cưỡng.

Chưa hết, nhà lãnh đạo Mỹ còn công khai chỉ trích Nga "tìm cách thách thức các giá trị, ảnh hưởng và sự thịnh vượng của Mỹ", cũng như phàn nàn vai trò của Moscow trong việc giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ở chiều ngược lại, Nga chỉ trích Mỹ muốn phá hoại thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và bí mật ủng hộ các tay súng Hồi giáo ở Syria.

Những động thái chính trị của ông Trump đối với Nga dường như bị hạn chế bởi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Châu Á

Châu Á là một trong những mục tiêu chỉ trích của ông Trump trong chiến dịch tranh cử: hàng xuất khẩu Trung Quốc và Nhật Bản khiến người Mỹ mất công ăn việc làm; Hàn Quốc và Nhật Bản không trả đủ tiền để Mỹ bảo vệ 2 nước này...

Hóa ra, vấn đề Triều Tiên mới là một trong những vấn đề khiến ông Trump đau đầu nhất trong năm đầu tiên làm tổng thống. Cả hai bên không ngần ngại chỉ trích, đe dọa lẫn nhau giữa lúc Triều Tiên tiến hành 1 vụ thử hạt nhân và 3 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa nhằm chứng tỏ khả năng tấn công Mỹ.

Với mong muốn được Trung Quốc giúp cô lập Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, ông Trump không hiện thức hóa đe dọa gọi Bắc Kinh là quốc gia thao túng tiền tệ được đưa ra khi tranh cử. Tuy nhiên, càng đến gần năm thứ 2 của nhiệm kỳ, ông Trump có vẻ hướng đến việc sử dụng biện pháp mạnh (tăng thuế, hạn chế nhập khẩu) để ép Trung Quốc giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh hôm 8-11-2017. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh hôm 8-11-2017. Ảnh: Reuters

Syria, Iraq và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng

Ông Trump có thể nhận công trạng sau khi IS gần như bị đánh bại hoàn toàn ở Iraq và Syria trong năm đầu tiên ông làm tổng thống. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ chủ yếu tiếp tục chiến lược chống IS của người tiền nhiệm Barack Obama và đẩy mạnh nó bằng cách tăng quân và trao cho các tư lệnh liên quân thêm quyền hành.

Đối phó với cuộc nội chiến ở Syria, nhà lãnh đạo Mỹ nói rõ sẽ không chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, qua đó cho phép Nga và Iran kiểm soát nhiều hơn tình hình Syria.

Ngoài ra, chính quyền ông Trump không đưa ra chính sách ở Syria và Iraq thời hậu IS. Tuy nhiên, kế hoạch lập lực lượng an ninh biên giới cho người Kurd đứng đầu ở Syria dẫn đến sự lên án mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Israel - Palestine

Một trong những lời hứa của ông Trump khi tranh cử là theo đuổi thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột Israel - Palestine. Một năm sau, mục tiêu này vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là có nguy cơ sụp đổ bởi hành động đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của ông hồi tháng 12-2017.

Trước đó, ông giữ khoảng cách với giải pháp 2 nhà nước được cộng đồng quốc tế ủng hộ và cho biết sẽ chỉ hậu thuẫn nó nếu cả Israel và Palestine đều đồng ý. Động thái này về cơ bản trao cho Israel quyền phủ quyết đối với một giải pháp như thế. Chưa hết, chính quyền ông Trump trong tuần này còn cắt khoản tiền 65 triệu USD dành cho người tị nạn Palestine.

Không có gì lạ khi người Palestine gần như cắt đứt quan hệ với Washington, trong lúc vận động cộng đồng quốc tế phản đối chính sách của Mỹ.


Người Palestine tại TP Gaza phản đối quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến TP Jerusalem. Ảnh: Reuters

Người Palestine tại TP Gaza phản đối quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến TP Jerusalem. Ảnh: Reuters

Ả Rập Saudi, Iran

Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Iran chính xác là những gì Ả Rập Saudi muốn nghe.

Các lãnh đạo Iran không ít lần chỉ trích ông Trump, nhất là sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ từ chối tái xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc. Một số nhà phân tích lo ngại động thái này có thể khiến thỏa thuận đổ vỡ.

Không dừng lại ở đó, ông Trump còn chọc giận Tehran khi bày tỏ sự ủng hộ các cuộc biểu tình ở Iran cuối năm ngoái.

Châu Mỹ và châu Phi

Chính sách của ông Trump đối với châu Mỹ nhìn chung cũng khá cứng rắn.

Nhà lãnh đạo này tiếp tục đòi Mexico trả tiền cho bức tường biên giới, trong lúc dọa rút khỏi các cuộc hành thương thảo lại với Mexico và Canada về Hiệp ước Thương mại Bắc Mỹ nếu 2 nước này không đề xuất những thay đổi đáng kể.

Lập trường trấn áp người nhập cư của ông Trump khiến một số nước châu Mỹ Latin chuẩn bị cho làn sóng người di cư bị trục xuất về lại nước họ.

Mới đây, nhà lãnh đạo Mỹ còn gây bão dư luận khi bị tố gọi Haiti và các nước châu Phi là "những nước dơ bẩn".

Ngoài lời xúc phạm trên, ông chủ Nhà Trắng được cho là không quan tâm quá nhiều đến lục địa đen. Dù vậy, chính quyền Mỹ cũng gây lo ngại khi đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài và chuyển sự tập trung từ hỗ trợ nhân đạo sang chống khủng bố tại châu Phi.

Theo P.Võ

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm