1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Một năm căng thẳng Nga - phương Tây: Sự cọ xát quyết liệt giữa hai đại chiến lược

(Dân trí) - Quan hệ Nga - phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trải qua bao thăng trầm trong quan hệ Đông-Tây, hai đại chiến lược “Chim ưng hai đầu” của Nga và “Đông tiến” NATO không thay đổi.

 


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladmir Putin “lạnh lùng” cụng ly tại một bữa tiệc do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ở New York hồi tháng 9 (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladmir Putin “lạnh lùng” cụng ly tại một bữa tiệc do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ở New York hồi tháng 9 (Ảnh: AP)

Cạnh tranh địa - chiến lược

Ngay từ đầu năm 2015, thế giới đã phải chứng kiến diễn biến phức tạp của tình hình Ukraine với hệ lụy của việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tiếp đến là nội chiến ở miền Đông Ukraine giữa một bên là chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko được phương Tây hậu thuẫn với một bên là lực lượng ly khai vùng Donbass được Nga ủng hộ.

Nga đã thực hiện chủ trương ngoại giao mới được gọi là “Chim ưng hai đầu”, tức là vừa hướng về phương Tây, vừa hướng về phương Đông và nhấn mạnh lợi ích của Nga, sau khi chính sách ngoại giao “giữ mối quan hệ tốt với phương Tây” dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin thất bại.

Những hệ lụy của “Mùa xuân Arab” đã dẫn đến sự rối loạn, vô chính phủ ở Lybia, tranh giành quyền lực, xung đột ở Yemen và đỉnh điểm là cuộc nội chiến ở Syria.

IS từ chỗ chỉ là lực lượng nhỏ, yếu nằm trong phái đối lập được phương Tây hậu thuẫn, nay đã lớn mạnh nhanh chóng với hơn 50.000 quân, chiếm hơn 50% lãnh thổ Syria (tính đến trước khi Nga không kích) dẫn đến hai thế lực lớn là Nga - phương Tây (do Mỹ đứng đầu) can thiệp vào Syria với những toan tính lợi ích chiến lược khác nhau.

Chiến tranh và nghèo đói ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã dẫn tới làn sóng người tỵ nạn tràn vào châu Âu, khiến cả khu vực đứng trước những thách thức và biến động khôn lường. Tình hình trên làm cho hệ lụy IS đứng trước nguy cơ lây lan ra toàn khu vực.

Điều chỉnh thế trận toàn cầu


Nga mở chiến dịch không kích khủng bố tại Syria theo đề nghị của Tổng thống nước này. Chiến dịch này diễn ra độc lập với chiến dịch không kích khủng bố được liên quân do Mỹ đứng đầu thực hiện. (Ảnh: Reuters)

Nga mở chiến dịch không kích khủng bố tại Syria theo đề nghị của Tổng thống nước này. Chiến dịch này diễn ra độc lập với chiến dịch không kích khủng bố được liên quân do Mỹ đứng đầu thực hiện. (Ảnh: Reuters)

Sau gần hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, với nhiều lần điều chỉnh chính sách, một chiến lược đã định hình được gọi là “Chủ nghĩa Obama”. Trọng tâm của chiến lược này là “hướng nội”, không đưa quân ra nước ngoài, thực hiện “quyền lực mềm”, nhưng các giá trị Mỹ vẫn được lan truyền và giữ cho nước Mỹ vẫn ở vị thế lãnh đạo thế giới.

Trong “Chiến lược An ninh Quốc gia 2015”, Mỹ đã xác định Nga là đối thủ cần phải ngăn chặn và làm suy yếu. Tiếp đó, Mỹ điều chỉnh thế trận toàn cầu trên 3 điểm cơ bản: (1) Trang bị thêm thiết bị đánh chặn. (2) Rút một phần kế hoạch ở châu Âu, nhưng tăng cường sự hiện của lực lượng NATO ở gần biên giới Nga. (3) Hoàn thiện Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) toàn cầu; dẫn đầu liên minh 28 nước không kích IS ở Syria…

Nhằm đối lại với NATO, Nga cũng điều chỉnh chiến lược theo hướng tập trung ổn định kinh tế, phô trương sức mạnh quân sự; phá thế bao vây ngăn chặn của Mỹ, phương Tây; bảo vệ không gian hậu Xô Viết và thể hiện vai trò, vị thế trong các vấn đề quốc tế.

Nga đã cho công bố “Học thuyết biển” mới (7/2015) tiếp sau Học thuyết quân sự được Nga công bố hồi đầu năm thì đây là văn kiện mới nhất nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh từ phía NATO. Nga tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng, nâng cấp và phát triển vũ khí, trang bị.

Tuyên bố rút khỏi Hiệp ước vũ khí thông thường ở châu Âu; cảnh báo sử dụng sức mạnh hạt nhân để đáp trả các mối đe dọa về an ninh; tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn nhằm ngăn chặn việc thúc đẩy “Đông tiến” của NATO; hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine, củng cố bán đảo Crimena.

Nga bất ngờ đưa lực lượng quân sự sang Trung Đông tiến hành không kích IS để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhằm đảm bảo lợi ích của Nga ở khu vực; cùng nhóm P5+1 đạt được thoả thuận vấn đề hạt nhân của Iran, thể hiện vị thế cường quốc trong các vấn đề quốc tế.

Tìm kiếm lợi thế chiến lược trong 2016


Căng thẳng quan hệ Nga-phương Tây càng leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc Su-24 của Nga tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)

Căng thẳng quan hệ Nga-phương Tây càng leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc Su-24 của Nga tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)

Cùng với các nước lớn khác, Nga - NATO cũng tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích địa - chiến lược, tạo ra sự cân bằng hơn trong cán cân quyền lực quốc tế cả khu vực và toàn cầu.

Mỹ vẫn cố duy trì vị thế cường quốc số một thế giới, có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, khoa học-công nghệ và sức mạnh quân sự với ít đối thủ. Trong khi thực hiện “đồng bộ” các chiến lược, Tổng thống Obama đặt kế hoạch chấn hưng lại nền kinh tế, cải cách xã hội, và tiếp tục nâng cao thực lực kinh tế-quân sự của Mỹ.

Mặc dù sức mạnh tương đối trong tương quan với các nước lớn khác bị thu hẹp, vị thế số một thế giới ngày càng bị thách thức. Mỹ lại phải lo tập trung cho bầu cử Tổng thống năm 2016 với nhiều kịch tính, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục triển khai chiến lược toàn cầu theo hướng gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn, nhất là Nga và Trung Quốc.

Theo giới phân tích dự báo năm 2016, Nga tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sức mạnh quốc gia, bảo vệ và mở rộng lợi ích tại các khu vực. Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Putin (hôm 3/12) cũng cho biết, Nga đang bất đồng gay gắt với phương Tây trong các vấn đề chủ chốt như: Khủng hoảng ở Ukraine, cuộc chiến chống IS ở Syria, việc NATO “Đông tiến”, đưa lực lượng đến sát biên giới Nga...

Ngay trong những tháng cuối năm 2015, Nga đã và đang có những động thái mạnh mẽ tìm lại vị thế của mình, thông qua việc “ra đòn” tấn công IS với hiệu quả bất ngờ khiến Mỹ và phương Tây buộc phải quan tâm.

Từ sự lạnh nhạt ban đầu nay Ngoại trưởng hai nước (4/11) đã trao đổi cách thức chống IS để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria. Các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức cũng tỏ ý muốn hợp tác với Nga trong nỗ lực chống IS tại đây.

Như vậy, trong quan hệ Nga - phương Tây đã bước sang giai đoạn mới - giai đoạn cọ xát quyết liệt giữa hai đại chiến lược “Chim ưng hai đầu” của Nga và “Đông tiến” của EU tại không gian “hậu Xô viết”, mà tiêu điểm của cuộc đọ sức lần này là cuộc chiến “kinh tế năng lượng” với công cụ cấm vận và giá cả… gắn với răn đe quân sự lẫn nhau thông qua bố trí lại thế trận toàn cầu và cuộc chiến chống IS ở Syria. Điều này khiến cho cuộc “cọ xát” chiến lược có thể kéo dài và hồi kết vẫn còn khó đoán định.

Nguyễn Nhâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm