1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Một mũi tên trúng nhiều đích" của Nga khi đặt căn cứ hải quân tại Abkhazia

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Nga được cho là đã bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân ở Ochamchira thuộc khu vực Abkhazia được đánh giá là động thái "một mũi tên trúng nhiều đích".

Một mũi tên trúng nhiều đích của Nga khi đặt căn cứ hải quân tại Abkhazia - 1

Hình ảnh xe chở thiết bị đến Ochamchira ở Abkhazia (Ảnh: Getty).

Thông tin Nga bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân ở Ochamchira xuất hiện vào ngày 28/12/2023. Thông qua các hình ảnh gần đây, có thể thấy lực lượng vũ trang Nga đang bắt đầu các hoạt động nạo vét tại cảng này.

Hãng tin BBC đã phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động nạo vét và xây dựng đã được thực hiện tại cảng Ochamchira sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Hiện chưa rõ số lượng và loại tàu Nga đóng tại Ochamchira. Tuy nhiên, một số ấn phẩm của phương Tây và Georgia lưu ý việc đào sâu sẽ cho phép tiếp nhận các tàu có lượng giãn nước lên tới 13.000 tấn.

Trong tuyên bố mới đây, ông Aslan Bzhania, lãnh đạo khu vực Abkhazia, cho biết Nga sẽ sớm thành lập một căn cứ hải quân ở Ochamchire, cách đường ranh giới hành chính với Georgia khoảng 40km. "Mục tiêu của việc xây dựng căn cứ này là nhằm cải thiện năng lực phòng thủ của cả Nga và Abkhazia", ông nói với báo Izvestiya. 

Theo các chuyên gia, bóng ma chiến sự dai dẳng xung quanh cuộc phản công của Ukraine đang thúc đẩy Nga rút một phần lớn lực lượng hải quân Biển Đen khỏi Bán đảo Crimea để tìm kiếm những lựa chọn an toàn hơn.

Một mũi tên trúng nhiều đích của Nga khi đặt căn cứ hải quân tại Abkhazia - 2

Bản đồ khu vực Ochamchira tại Abkhazia (Ảnh: FT).

Phần lớn lực lượng hải quân ở đây đã rút về khu vực Novorossiysk, mặc dù một phần lực lượng này có thể được triển khai gần hơn về phía đông nam, tới Ochamchire. Cảng Ochamchire không đủ sâu để tiếp nhận các tàu chiến lớn nhất của Nga, nhưng có thể neo đậu các tàu nhỏ hơn và bắt đầu thiết lập các hoạt động tiếp tế, hậu cần.

Sau một số cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào lực lượng hải quân và hạm đội Biển Đen, Moscow rút quân về phía đông Biển Đen. Các cuộc tấn công tên lửa như thế này từ Ukraine cũng đã khiến Crimea trở thành khu vực "không được chào đón" đối với Nga.

Hiện tại, Nga đang dự tính di chuyển lâu dài về phía đông, cách xa các vùng lãnh thổ Ukraine mà Moscow đang kiểm soát. Theo các chuyên gia, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị di chuyển lực lượng ra khỏi Ukraine và hướng tới khu vực gần lãnh thổ Georgia.

Trong khi chính phủ Georgia tỏ ra khá thận trọng với Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, nay họ lại bày tỏ sự cảnh giác về kế hoạch xây dựng căn cứ lần này của Moscow. Thông tin về căn cứ mới này đã làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể mở rộng chiến sự ở Ukraine, kéo Georgia, một quốc gia cũng đang hy vọng được gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vào cuộc xung đột.

Ngoài ra, sự hiện diện của lực lượng hải quân Nga ở Abkhazia có thể biến khu vực này thành một mặt trận bổ sung hoặc lực lượng dự bị linh hoạt, tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, một căn cứ hải quân ở Abkhazian không chỉ giúp Nga thực hiện các cuộc tấn công từ bờ biển Georgia mà còn khiến Tbilisi đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chiến sự Ukraine và trở thành "chiến trường thứ hai".

Năm 2008, Nga công nhận nền độc lập của 2 vùng Abkhazia và Nam Ossetia. Moscow cũng duy trì hiện diện quân sự tại hai vùng này, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.

Vì vậy, theo các chuyên gia, với việc thiết lập căn cứ hải quân mới này, Nga sẽ đạt được đòn bẩy mới cho các hoạt động kinh tế ở Biển Đen và thiết lập ảnh hưởng gián tiếp đối với việc xây dựng dự án cảng biển nước sâu Anaklia, được coi là nút thắt cơ bản để tăng cường kết nối khu vực trong khuôn khổ mở rộng dự án mang tên Hành lang giữa. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự tồn tại của một căn cứ hải quân như vậy chứng tỏ Nga đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

Ngoài Nam Kavkaz, việc thành lập một căn cứ khác ở Biển Đen trong bối cảnh chiến sự khốc liệt cho thấy Nga hy vọng sẽ dễ dàng phong tỏa Ukraine, đặc biệt là hoạt động vận chuyển nông sản của nước này tới châu Phi và châu Á.

Điều này khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các quốc gia Caucasus gặp rủi ro. Kết quả là, căn cứ hải quân mới tiềm ẩn nguy cơ mở rộng xung đột sang các khu vực khác. Nếu và khi cuộc chiến Ukraine leo thang hoặc các cuộc khủng hoảng khác ở vùng Kavkaz nổ ra, đây sẽ là căn cứ rất quan trọng giúp Nga thể hiện sức mạnh quân sự của mình.

Theo Geopolitical Monitor