Một Kosovo độc lập có cơ hội sống?
(Dân trí) - Việc Kosovo tuyên bố độc lập dù chưa có sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an LHQ có vẻ như không giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại, và cũng không xoa dịu được những căng thẳng ở vùng Balkan vốn vẫn bất ổn này.
Hôm chủ nhật vừa qua Kosovo đã tuyên bố độc lập, tuy nhiên chắc chắn trong thời gian sắp tới, vùng đất này chưa thể trở thành quốc gia thứ 193 của thế giới. Và điều chắc chắn tiếp theo, Kosovo sẽ là một nhà nước còn dang dở, chưa được LHQ công nhận, không thể tự điều hành, còn phải dựa dẫm vào lực lượng cảnh sát châu Âu và lực lượng NATO trong vấn đề an ninh.
Sau 8 năm dưới sự giám sát của quốc tế, với hàng tỉ đô la viện trợ đổ vào, cùng những quỹ tái thiết, tương lai kinh tế Kosovo vẫn rất mờ mịt. Tỉ lệ thất nghiệp đạt 57%, trong khi cư dân trẻ tuổi chiếm khoảng 70%, và hơn một nửa dân số là những người dưới độ tuổi 25. Còn một lo ngại nữa, “mặt hàng” xuất khẩu chính của vùng này lại là tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, Kosovo vẫn “sạch bóng” cộng đồng thiểu số người Serbia, những người chỉ có thể sống được ở tỉnh này dưới sự bảo vệ của của lực lượng vũ trang NATO. Và có khả năng sẽ có một cuộc xung đột lớn hơn trong khi các cường quốc cố gắng tìm ra cách giải quyết một “mớ lộn xộn” Balkan khác.
Về mặt lý thuyết, Kosovo đã là vùng đất tự trị kể từ khi NATO ném bom tỉnh của Serbia này trong vòng 78 ngày vào năm 1999; LHQ phê chuẩn nghị quyết 1244 của Hội đồng bảo an tuyên bố đây là một tỉnh tự trị dưới sự quản lý của LHQ, và cũng khẳng định, Kosovo là một phần của Serbia. Hơn nữa, Kosovo có mối liên hệ về lịch sử lâu dài với Serbia, được coi như là thánh địa Jerussalem của Serbia, dĩ nhiên là theo một hướng khác.
Sau sự kiện năm 1999, Phái đoàn LHQ ở Kosovo (UNMIK), cùng với Liên minh châu Âu và Tổ chức an ninh và hợp tác ở châu Âu (OSCE) chịu trách nhiệm điều hành tất cả các cơ quan, thể chế dân sự ở Kosovo. Và Lực lượng bảo vệ Kosovo của NATO (KFOR) chịu trách nhiệm mặt quốc phòng cho vùng đất này.
Năm ngoái LHQ đã cố gắng thương thảo với Seriba về việc chuyển giao tỉnh Kosovo thành một nhà nước độc lập, song thất bại. Với sự ủng hộ của Nga, Serbia quyết không nhượng bộ, không cho Kosovo vị thế nào ngoài quyền tự trị.
Song cuối cùng quốc hội tự bầu của Kosovo đã nhóm họp vào hôm chủ nhật vừa qua và thủ tướng Hashim Thaci đã đọc tuyên bố Kosovo “độc lập, có chủ quyền và dân chủ”. Tuyên bố này đã được biết đến từ trước đó, và người Albania đã đổ xuống đường ở Pristina, vẫy cờ Mỹ và cờ Albania, cũng như cờ mới của Kosovo (cờ màu xanh với bản đồ Kosovo màu vàng trên nền nhiều ngôi sao).
Nhưng về thực chất, Kosovo vẫn là vùng đất bị bảo hộ. Ít nhất là cho đến thời điểm này, vẫn không có động thái nào cho thấy sẽ chuyển các cơ quan do LHQ quản lý cho người Kosovo, do vẫn chưa có nghị quyết rõ ràng nào của LHQ về vị thế của vùng đất này. Ngoài ra, Nga chắc chắn sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến độc lập của Kosovo. Và tuần trước, EU đã tuyên bố sẽ gửi thêm 2.000 cảnh sát tinh nhuệ cùng lực lượng thực thi công lý tới vùng đất này. NATO cũng cho biết họ sẽ tiếp tục đảm bảo an ninh cho Kosovo với KFOR.
Tại Serbia, người dân giận dữ. Tuyên bố độc lập của Kosovo đã kích động bạo loạn trên đường phố Balgrade, với hô-li-gân và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ném đá vào cảnh sát, cố gắng xông vào những mục tiêu của người phương Tây như đại sứ quán Mỹ hay những nhà hàng của McDonald's. Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica gọi tuyên bố của Kosovo là “tuyên bố bất hợp pháp của một nhà nước bù nhìn trên lãnh thổ Serbia”.
Không ai có thể đoán trước được, liệu chính phủ Serbia sẽ có động thái cực đoan, đưa quân đội vào can thiệp Kosovo hay không. Nhưng người Serbia vẫn còn tức giận với cách đối xử đối với cộng đồng thiểu số của họ ở Kosovo. Bởi kể từ khi LHQ và NATO tiếp quản vùng đất này, hơn 200.000 người Serbia đã tháo chạy khỏi Kosovo và những băng nhóm người Albania lại bắt đầu trả thù người Serbia ở bất kỳ nơi đâu chúng có thể trả thù được. Nếu có thêm một cuộc tàn sát, chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh mẽ ở Serbia, và có thể là sự can thiệp.
Không giống như năm 1999, Serbia giờ có đồng minh hùng mạnh Nga ở bên. Tổng thống Putin cũng có thái độ cứng rắn về vấn đề Kosovo; kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn vào hôm thứ hai. Hơn nữa, lực lượng KFOR yếu hơn nhiều so với trước kia, lực lượng Mỹ cũng được rút bớt để chuyển sang Iraq, và các đối tác trong NATO cũng đang phải lo lắng ở Afghanistan.
Sau khi tuyên bố độc lập, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã công nhận Kosovo. Nhưng Nga chắc chắn sẽ phủ quyết tại LHQ. Và thậm chí EU cũng phải đối mặt với những khó khăn nội bộ, bởi 6 trong tổng số 22 quốc gia chắc chắn sẽ không tán thành động thái của Kosovo. Trong số đó có Tây Ban Nha, Romania, Hy Lạp, Đảo Síp, Bulgaria và Slovakia. Đối với những nước như Tây Ban Nha, với vùng xứ Basque không yên bình, thì Kosovo là một tiền lệ nguy hiểm. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ Thế chiến hai biên giới nội bộ ở một nước châu Âu (ngoại trừ Đức) có thể sẽ được vẽ lại. Tuy nhiên Kosovo không phải là Đức.
Nguyên Hạ
Theo Newsweek