Kosovo tuyên bố độc lập
(Dân trí) - Hôm qua, 17/2, Kosovo đã chính thức tuyên bố độc lập khỏi Serbia sau khi cơ quan lập pháp đồng loạt bỏ phiếu tán thành, bất chấp sự phản đối của Nga, Serbia và một số nước châu Âu khác.
Sau tuyên bố, hàng ngàn người đã đổ xuống trung tâm Pristina vẫy cờ ăn mừng. “Chúng ta giờ là một quốc gia độc lập, tự do, có chủ quyền và dân chủ”, người đứng đầu quốc hội Kosovo Jakup Krasniqi tuyên bố.
Tuy nhiên, quyết định gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Trong khi Mỹ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được cho là sẽ ngay lập tức công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, thì Serbia, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga, cũng nhanh chóng lên án động thái trên, và yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn vào ngày hôm qua.
Tổng thống Serbia Boris Tadic khẳng định đất nước ông không bao giờ chấp nhận sự độc lập của Kosovo.
Trong đêm tuyên bố độc lập, lực lượng gìn giữ hoà bình ở Kosovo do NATO đứng đầu, với 17.000 quân từ 34 quốc gia, cho biết sẽ tích cực can thiệp để ngăn chặn bạo lực sắc tộc nội bộ giữa người Serbia và người Albania.
“Chúng tôi đã đợi ngày này lâu rồi”, Sherife Bajrami, một bác sỹ ở Pristina cho biết. “Chúng tôi sẽ ăn mừng với lòng tự trọng và cũng tôn trọng những cộng đồng thiểu số, vì cuộc sống hạnh phúc của mọi người trên đất Kosovo”.
Sau tuyên bố độc lập Kosovo sẽ có 120 ngày chuyển giao và 2.000 cảnh sát tinh nhuệ của EU cùng với đội tư vấn pháp luật sẽ giúp Kosovo thực hiện chuyển giao.
Tuy nhiên EU vẫn còn chia rẽ về vấn đề độc lập của Kosovo. Trong khi Anh, Pháp, Đức và Ý được cho là sẽ chính thức công nhận sự độc lập của Kosovo vào ngày hôm nay, thì Tây Ban Nha cho biết họ sẽ không công nhận Kosovo bởi lo ngại tình trạng tương tự sẽ diễn ra ở vùng xứ Basque của nước này.
Hi Lạp, Romania, Bulagaria cũng phản đối sự độc lập của Kosovo. Còn Tổng thống Séc cảnh báo sự độc lập của Kosovo có thể sẽ tạo ra hiệu ứng đôminô ở châu Âu.
“Một số đảng ở một số quốc gia sẽ nhận ra rằng họ không cảm thấy hoàn toàn hài lòng với một đất nước lớn mà họ đang chung sống cùng”, ông Klaus phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
Những vùng ly khai của Gruzia như Nam Ossetia và Abkhazia cũng đang có kế hoạch yêu cầu Nga và LHQ công nhận họ độc lập sau động thái của Kosovo, hãng thông tấn Nga Interfax cho biết.
Nga đã phản đối kế hoạch của Abkhazia tại LHQ và việc Kosovo tuyên bố độc lập cũng chưa có sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an.
Còn phía Mỹ, họ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tuyên bố độc lập của Kosovo. “Về Kosovo, quan điểm của chúng tôi là vị trí của họ phải được giải quyết để cho người Balkan được ổn định”, Tổng thống Bush tuyên bố.
Với ước tính 40% thất nghiệp, và một nửa dân số dưới 25 tuổi, Kosovo vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ khổng lồ về kinh tế từ phương Tây.
Nhiều người trong vùng lo ngại sự độc lập của Kosovo sẽ không bình ổn được khu vực mà xung đột sắc tộc kéo dài suốt hơn một thập kỷ qua sau cuộc chiến Balkan vẫn còn tồn tại.
Serbia thề sẽ ngăn cản lực lượng cảnh sát EU. Phó thủ tướng Bozidar Djelic tuyên bố chỉ có Hội đồng bảo an mới có thể quyết định về tình trạng của Kosovo. Nga, đồng minh thân cận của Serbia, cảnh báo rằng sự độc lập của Kosovo có thể tạo ra một tiền lệ ở những vùng bất ổn trên toàn bộ lãnh thổ của Kosovo. Và dĩ nhiên Nga phản đối động thái tuyên bố độc lập của Kosovo.
Ước tính 12.000 người Serbia đang sống ở Kosovo. Đây cũng là nơi có một số nhà thờ quan trọng của người Serbia. Hơn 220.000 người khác đã rời đi từ năm 1999. Belgrade hiện đang kêu gọi người Serbia ở Kosovo hãy ở lại để phản đối sự độc lập của Kosovo.
Phan Anh
Theo AFP