1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Moscow dội gáo nước lạnh lên đầu 68 nước liên quân

''Trong khi hàng chục quốc gia mải tiếp tục thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố, Nga còn đang phải bận chiến đấu với IS cả ngày lẫn đêm''.

Theo Sputnik ngày 22/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong khi Nga đang phải chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cả ngày lẫn đêm, thì liên minh do Mỹ dẫn đầu chỉ mải thảo luận về các nỗ lực chống khủng bố.

Khi được các phóng viên hỏi về sự vắng mặt của Nga trong cuộc họp cấp bộ trưởng 68 quốc gia trong liên minh chống IS do Mỹ chủ trì diễn ra hôm 22/3 tại Washington, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: ''Trong khi hàng chục quốc gia mải tiếp tục thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố, Nga còn đang phải bận chiến đấu với IS cả ngày lẫn đêm''.

Ông Peskov nhắc lại lập trường kiên định của Moscow là, để đạt được thành công trong cuộc chiến chống IS "không thể không có sự hợp tác quốc tế sâu rộng nhất".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov

Sự thật mất lòng

Quan điểm mà Người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra có vẻ như rất phũ phàng đối với liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh rằng đó là sự thật.

Chỉ sau hơn 1 năm sau khi Nga can thiệp vào Syria (9/2015 - 12/2016), Quân đội Syria đã giành được 5 TP lớn nhất Syria thuộc khu vực ''Syria hữu ích'' tập trung 70% dân số gồm thủ đô Damascus, Homs, Hama, Latakia và Aleppo.

Khu vực này là các vùng có lợi ích về địa lý, chiến lược, kinh tế, dân số chạy dọc biên giới Lebanon và cửa ngõ ra Địa Trung Hải. Mới đây nhất, quân Chính phủ tiếp tục giành thêm một chiến thắng vẻ vang tại Palmyra.

Còn Mỹ và liên minh của mình đã làm được gì sau ngần ấy thời gian, ngoài việc ném bom nhầm vào dân thường và những hầm có đầy cố vấn tại Syria? Cuộc chiến chống IS tại Mosul cho tới giờ vẫn chưa có hồi kết. Các lực lượng Iraq vẫn đang bị chôn chân bởi bom xe và sự kháng cự quyết liệt của các tay súng khủng bố.

Mặc dù theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, hội nghị liên minh 68 nước được tổ chức tại Washington lần này có ý nghĩa đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế nhằm để đánh bại IS ở các khu vực chúng còn chiếm đóng tại Iraq và Syria, cùng với đó là tối đa hóa áp lực lên mạng lưới của chúng, song dường như Washington vẫn chưa quyết tâm tiêu diệt IS.

Nga mới can thiệp quân sự vào Syria 1 năm rưỡi nhưng đã làm xoay chuyển hẳn tình thế ở đất nước này.
Nga mới can thiệp quân sự vào Syria 1 năm rưỡi nhưng đã làm xoay chuyển hẳn tình thế ở đất nước này.

Ngày 11/12/2016, The Telegraph của Anh từng bình luận rằng, việc tiêu diệt lực lượng IS không phải nằm ngoài khả năng của các nước phương Tây, song dường như tổ chức khủng bố này không đối diện với nguy cơ bị xóa sổ. ''Phương Tây có thể giết chết những kẻ khủng bố nhưng liệu IS có bị chôn xuống huyệt sâu hay không thì chưa thể khẳng định, cần phải chờ''.

Từ quan điểm của tờ báo Anh, có thể nhận diện IS chưa thể bị tận diệt và sự tồn tại của chúng là nằm trong tính toán của lực lượng chống khủng bố quốc tế - IS đã trở thành con bài chính trị nguy hiểm.

Việc IS có thể tháo chạy từ Mosul ở Iraq về Syria, củng cố lực lượng và tái chiếm Palmyra được nhiều người cho rằng đó là ''sự tháo chạy được tạo điều kiện''.

Giới phân tích từng hoài nghi phía sau việc phương Tây không kết hợp với Nga – theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang năm 2016 - thành lập một mặt trận chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, sử dụng lá cờ của Liên Hợp Quốc để tấn công tiêu diệt IS. Họ cho rằng, đó là một sự tính toán thiệt hơn trong việc tiêu diệt IS và chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Vai trò không thể thay thế

Trước đó, ngày 22/3 các bộ trưởng ngoại giao đến từ 68 nước thành viên trong liên minh chống IS đã nhóm họp tại Washington, để thống nhất các bước đi tiếp theo nhằm đánh bại nhóm khủng bố này.

Tuy nhiên, hai quốc gia được cho là đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống IS thời gian qua tại Trung Đông, đặc biệt tại Syria – một trong hai sào huyệt của IS - là Nga và Iran thì lại không có mặt trong hội nghị quan trọng đó.

Về việc này, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, liên minh chống khủng bố 68 nước là tổ chức Nga không tham gia, do vậy việc Moscow không có mặt tại hội nghị là bình thường.

Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov - Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia khóa 6 thẳng thắn tuyên bố rằng, ''gặp gỡ và thảo luận vắng Nga thì được thôi, nhưng để chiến thắng IS mà thiếu Nga thì không thể", ông Pushkov nhận định trong microblog của mình trên Twitter.

Mỹ triển khai quân đến Syria
Mỹ triển khai quân đến Syria

Các quan chức Nga lấy ví dụ dẫn chứng là liên minh Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông hàng chục năm trời, tốn kém không biết bao nhiều tiền của mà khủng bố ngày càng mạnh thêm, các phe nhóm đối lập ở các nước Trung Đông-Bắc Phi cũng theo đó trỗi dậy.

Trong khi Nga mới can thiệp quân sự vào Syria 1 năm rưỡi nhưng đã làm xoay chuyển hẳn tình thế ở đất nước này, khủng bố đang ngày càng lụn bại, chính quyền đất nước đang ngày càng mạnh lên, tạo lập được sự tin tưởng của nhân dân Syria.

Đến khi quân đội và nhân dân Syria sắp đạt được chiến thắng cuối cùng trước khủng bố và đối lập ''không ôn hòa'' thì Liên quân của Mỹ đã thực hiện con bài cuối cùng để bảo vệ những phái đó - ồ ạt đổ quân vào Syria nhằm chia năm sẻ bảy đất nước này.

Đất nước Syria đang rất khó khăn đối phó với sự chống phá các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhưng chính quyền của ông Bashar al-Assad luôn đặt trọn niềm tin vào nước Nga, tin tưởng rằng đội quân của ông Putin sẽ mang lại hòa bình cho nhân dân Syria.

Theo Trúc Lâm

Đất Việt