Mỹ đưa quân đến Syria chống IS hay giành ảnh hưởng?
Báo chí quốc tế hôm 9-3 rầm rộ đưa tin 900 lính thủy quân lục chiến và xe bọc thép, pháo hạng nặng đã được triển khai đến các ngôi làng nằm dọc tuyến sông Euphrates ở phía tây thành phố Manbij, miền Bắc Syria.
Mục đích được quân đội Mỹ công khai trên thông tin đại chúng là nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công đánh bật Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi thủ phủ tự xưng Raqqa.
Việc triển khai quân và khí tài tại miền bắc Syria được giới chức quân sự Mỹ công bố là tạm thời, và đó được xem là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Donald Trump đang thiên về hướng mở - trao cho các chỉ huy quân sự quyền tự quyết định nhiều hơn, tạo sự linh hoạt lớn hơn để các chỉ huy thoải mái xử lý các sự vụ hằng ngày trên chiến trường.
Điều này hoàn toàn khác với thời Tổng thống Barack Obama, khi mà những hành động điều hành quá chi tiết của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã khiến cho các chỉ huy chiến trường bực tức.
Các lực lượng thủy quân lục chiến sau khi triển khai đến Syria sẽ phối hợp với lực lượng sẵn có và phiến quân Syria đối lập cùng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ dàn trận sẵn sàng chiến đấu chống IS. Bên cạnh đó, Mỹ còn đang chuẩn bị đưa thêm vài trăm quân đến Kuwait để sẵn sàng cho cuộc chiến chống IS tại nước này (nếu cần thiết).
Những động thái điều quân mới nhất của Mỹ nằm trong chuỗi các diễn biến mà Washington đang thực hiện nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự tại Syria. Thực chất của những động thái điều quân này không nằm ở việc chống IS, mà chính là để ổn định tình hình các lực lượng đồng minh chống IS tại Syria, đồng thời cũng nhằm lấy lại ảnh hưởng về mặt quân sự của Mỹ vốn đã phai mờ trước sự hỗ trợ quyết liệt của quân đội Nga giúp cho quân đội Chính phủ Syria thành công trong cuộc chiến giành lại các thành phố lớn vừa qua như Aleppo, Palmyra...
Trước đợt điều lính thủy quân lục chiến, Lầu Năm Góc cũng đã triển khai tạm thời vài chục binh sĩ lục quân ở ngoại ô thành phố Manbij trong một sứ mệnh được gọi là “trấn an và răn đe”. Việc cắm cờ Mỹ và điều động xe bọc thép hạng nặng đến Manbij được cho là để dàn xếp những xung đột căng thẳng giữa các lực lượng đồng minh trong khu vực này.
Khu vực thành phố Manbij được xem là điểm nóng xung đột giữa các lực lượng Syria đối lập chống chính phủ Damascus với lực lượng quân đội do Thổ Nhĩ Kỳ phái sang nhằm ngăn chặn IS xâm lấn sang đất Thổ.
Tuy nhiên, việc Mỹ điều quân sang Syria vào lúc này có thể đã quá trễ để thực hiện mục tiêu lấy lại ảnh hưởng từ Nga hay đánh IS. Bởi trên thực tế trong vài tháng qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với quân đội Syria do Nga hậu thuẫn tại mặt trận miền Bắc, đã góp phần tạo nên những chiến thắng quan trọng dẫn đến việc Damascus thu hồi thành phố Aleppo, đẩy phiến quân đối lập và IS dạt về những khu vực khác ở phía đông và nam, gần thành phố Raqqa.
Thành công đó đã giúp tạo thế mạnh cho Tổng thống Bashar al-Assad và góp phần gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Syria cũng như trong khu vực Trung Đông. Nếu muốn đạt mục tiêu đó, Mỹ chỉ có cách hậu thuẫn mạnh mẽ cho phiến quân đối lập để đẩy mạnh chiến đấu với quân Chính phủ Syria. Khi đó, tình hình sẽ chuyển biến theo chiều hướng khác, vì phía sau Syria là quân đội Nga.
Theo Tiểu Bảo (tổng hợp)
An ninh thế giới