Moscow cáo buộc Mỹ âm mưu phá hoại thượng đỉnh Nga - châu Phi
(Dân trí) - Một quan chức chính phủ Nga cáo buộc Mỹ đã lên kế hoạch phá hoại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi bằng việc gây áp lực lớn lên các quốc gia lục địa đen.
Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 25/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói, chính phủ Mỹ đang "gây áp lực chưa từng có" lên các nước châu Phi, bao gồm cả việc cố phá hoại một hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đang được lên kế hoạch.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Bogdanov nhắc lại cáo buộc "liên minh phương Tây" đang dàn dựng chiến dịch cô lập Nga.
"Mỹ và các đồng minh đang tiến hành một chiến dịch chưa từng có nhằm cô lập Nga về chính trị và kinh tế, bao gồm cả việc phá hoại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2 sẽ diễn ra tại St. Petersburg trong tháng 7 tới", ông Bogdanov nói với hãng tin TASS.
Cũng theo Thứ trưởng Bogdanov, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, liên minnh phương Tây đã gia tăng áp lực đáng kể lên các nước châu Phi - thông qua các mối đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt, chấm dứt viện trợ tài chính và nhân đạo.
Thứ trưởng Bogdanov cho biết, Washington cũng đã "thêu dệt" nhiều vấn đề nhằm chống lại Moscow, trong đó có cáo buộc Nga "cố đẩy lục địa này rơi vào tình trạng chết đói hoặc giá nhiên liệu tăng cao".
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi vào năm 2022 tại Washington, tìm cách củng cố mối quan hệ với lục địa này trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng ở đây.
Trong khi đó, kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, Nga đã xoay trục quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Phi.
Nga đặc biệt quan tâm đến các quốc gia châu Phi. Ngoài chuyến công du vào giữa năm 2022, chỉ trong đầu năm nay, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã hai lần đến thăm lục địa này.
Trong đó, Nam Phi - nền kinh tế lớn nhất châu Phi - đã tổ chức 10 ngày diễn tập quân sự với quân đội Nga và Trung Quốc.
Và tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner cũng đã triển khai lực lượng tại lục địa này giúp chống lại quân nổi dậy ở Mali và Trung Phi, giúp Nga gia tăng ảnh hưởng.
Những năm gần đây, tập đoàn Wagner đã liên tục mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế ở châu Phi. Với khoảng 5.000 quân đóng ở châu Phi, quy mô lực lượng Wagner gần bằng số lượng binh sĩ và nhân viên hỗ trợ của Mỹ ở lục địa đen này, ước tính khoảng 6.000 người.
Theo kế hoạch, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai vào tháng 7 tới tại thành phố St. Petersburg. Đây là sự kiện đánh dấu nỗ lực của nhà lãnh đạo Nga trong việc thu hút sự ủng hộ của các quốc gia châu Phi giữa lúc đối mặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây.